Thiếu sân chơi miễn phí dành cho trẻ!
Đưa con đi chơi một lúc là tốn vài chục ngàn đồng nếu đi gần nhà và tốn vài trăm ngàn đồng nếu đi Đại Nam, Suối Tiên... Vẫn quá thiếu sân chơi công cộng miễn phí cho trẻ con. Nhiều phụ huynh (PH) than thở với tôi như thế khi tôi cùng họ chờ con mình chơi hết các trò ở những khu vui chơi (KVC) thiếu nhi...
Ở TX.TDM hiện có nhiều nơi để PH đưa con đi chơi, thư giãn. Đó là những KVC thiếu nhi ở các phường như: Phú Cường, Hiệp Thành, Phú Hòa, Phú Thọ... Tuy nhiên, hầu hết là những KVC tư nhân nên tốn kém là chuyện... đương nhiên.
Các KVC thường được đầu tư na ná giống nhau với một khu tô tượng, vẽ tranh cát, khu vận động thì có tàu lượn, nhà hơi, nhà banh, cầu tuột... Tất nhiên, các trò chơi đều bán vé và thời gian chơi quá ngắn khiến nhiều bà mẹ... méo mặt khi con đòi dẫn đi KVC cuối tuần. Đến siêu thị Coop.mart, cũng chừng đó trò chơi và thêm mấy cái máy chơi games ì đùng đánh đấm hay đua xe vèo vèo. KVC TiNi có vẻ... hiền lành hơn với khu tô tượng, vẽ tranh và nhà hơi loanh quanh như... vườn cổ tích! Bé nào cũng thích vào đây chơi nhưng để vào cổng, PH tốn 25.000 đồng cho mỗi bé. Tại KVC này, theo quan sát của người viết, nhiều PH tranh thủ cho con chơi trong khi mình đi mua sắm tại siêu thị. Có người không yên tâm khi... rời mắt khỏi con quá lâu nên đem theo tờ báo, quyển sách vào đọc chờ con chơi... chán thì về!
Trong khi đó, ở KVC có mấy cái máy chơi games thì “sôi động”, rộn ràng hơn nữa. Vé ở đây được tính theo thẻ như tiền xu, mỗi thẻ giá 2.000 đồng. Có trò chơi tốn một thẻ/một lần chơi. Có trò chơi tốn đến 2 thẻ/một lần chơi. Vào nhà banh thì có giá 5.000 đồng/bé. Một PH đang ngồi chờ con “đua xe hơi” cằn nhằn: “Hết hai chục thẻ rồi đó con, tốn 40.000 đồng chứ ít gì? Về thôi, không chơi nữa”. Cậu bé năn nỉ xin mẹ mua cho 5 thẻ... cuối cùng! Chị đứng dậy đi mua thẻ và lắc đầu nói với tôi: “Hết 50.000 đồng cho một lần bé đi KVC, đâu có rẻ chút nào?”...
Qua tham quan một số điểm vui chơi, các lớp năng khiếu thì hầu như các nơi này đều có thu phí. Thực tế, quá ít sân chơi lành mạnh, quá ít lớp luyện tập năng khiếu miễn phí để trẻ có thể chơi đùa thỏa thích và phát huy tài năng của mình mà PH không phải tốn kém.
Trong khi đó, nhà văn hóa các cấp xây dựng tốn ngân sách khá nhiều và hầu như ít chú ý đến việc trang bị các khu trò chơi cho trẻ. Và nếu có trang bị cũng... mau bị hư hỏng, xuống cấp, không an toàn cho trẻ khi chơi. Có một điều bất cập trong đầu tư, quản lý nên đã xảy ra tình trạng các KVC công cộng thường bị bỏ hoang sau một thời gian đưa vào hoạt động. Cũng cầu tuột, xích đu, bập bênh, thú nhún... nhưng ở những nhà văn hóa cụm xã, huyện, thị bị... trùm mền hoặc gỉ sét không ai dám đưa con vào. Sân chơi cũng đầy cỏ gai và không an toàn nên không mấy ai yên tâm cho con mình đá banh ở đó.
Tất nhiên, khi người chủ kinh doanh bỏ vốn đầu tư các trò chơi thì phải bán vé để thu lãi. Và với những KVC thiếu nhi tư nhân như thế, chắc chắn, trẻ em nghèo khó có thể đến vui chơi, giải trí được. Nên chăng, cần có những nhà văn hóa cấp phường, xã hoàn toàn miễn phí nhưng được đầu tư đầy đủ, an toàn, có các khu trò chơi vận động... cho trẻ em. Riêng việc quản lý cần được coi trọng, KVC được bảo vệ hẳn hoi bởi nếu không, sau một thời gian cũng sẽ rơi vào... bỏ hoang và lại tiếp tục “xã hội hóa” với tư nhân vào thuê để bán vé thì vẫn là “bổn cũ soạn lại”!
Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo: “Làm sao để trẻ em nghèo cũng được vui chơi...”
Nhiều phụ huynh nói với tôi, họ cũng không muốn cho con đi học hè nhưng không học thì biết đi đâu, chơi gì? Thế là họ đành đưa con đi học bởi con vừa học kiến thức họ vừa yên tâm đi làm khi con không phải ở nhà một mình. Đi chơi vào những khu dịch vụ thì tốn tiền. Mùa hè là dịp để học sinh nghỉ ngơi, vui chơi nhưng sân chơi miễn phí cho trẻ vẫn còn thiếu. Những gia đình khá giả đưa con đi du lịch, nghỉ mát. Thế thì những nhà nghèo, biết cho con đi đâu? Chúng ta phải tính toán làm sao trong xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí, nhà văn hóa các cấp để các em có chỗ vui chơi. Học sinh nghèo cũng có thể đến đó vui chơi miễn phí... Cần quan tâm đến các lớp năng khiếu, học kỹ năng hơn. Cần tạo điều kiện để các em được thụ hưởng văn hóa, vui chơi lành mạnh nhiều hơn nữa...
QUỲNH NHƯ