Thỏa thuận mới cứu Cộng hòa Síp

Cập nhật: 26-03-2013 | 00:00:00

Sau 12 giờ đàm phán căng thẳng, sáng 25-3, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận với Cộng hòa Síp vào những phút cuối cùng để chặn đứng nguy cơ vỡ nợ tại khu vực ngân hàng nước này.

  Người dân Cộng hòa Síp vẫn chưa hết hoang mang.Sẽ không có chuyện đánh thuế tiền gửi nhưng để nhận được khoản giải cứu 10 tỷ EUR (tương đương 13 tỷ USD) nhằm ngăn chặn nguy cơ rút khỏi eurozone, ngân hàng lớn thứ hai của Cộng hòa Síp - Popular Bank of Cyprus (hay còn gọi là Laiki), sẽ phải đóng cửa. Các khoản tiền gửi dưới 100.000EUR tại Laiki sẽ được chuyển sang Bank of Cyprus trong khi các khoản tiền gửi trên 100.000EUR (theo luật EU là không được bảo hiểm) sẽ bị đóng băng và được sử dụng để giải quyết nợ. Ngân hàng Síp hiện nắm giữ 1/3 lượng tiền gửi ở quốc đảo này và gần như toàn bộ các khách hàng lớn của ngân hàng này đến từ Nga với tài khoản trên 100.000EUR. Thực chất việc đóng băng là toàn bộ các chủ tài khoản trên 100.000EUR sẽ bị phạt nặng còn số tiền phạt là bao nhiêu sẽ được xác định sau. Trong khi những khoản tiền gửi thấp hơn mức trần bảo vệ 100.000EUR như quy định của EU đều sẽ được đảm bảo.

Ngày 25-3 là hạn chót Cộng hòa Síp phải có được 5,8 tỷ EUR (tương đương 7,5 tỷ USD) nếu nước này muốn nhận được gói cứu trợ 10 tỷ EUR của EU và IMF. Thỏa thuận này sẽ giúp Cộng hòa Síp tự huy động gần 7 tỷ EUR để nhận được gói cứu trợ 10 tỷ EUR, đã được EU và IMF nhất trí trước đây gần 10 ngày, song lại bị Quốc hội Síp bác bỏ. Thỏa thuận mới là một cách tiếp cận quyết liệt nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng của khu vực tài chính tại Cộng hòa Síp và cắt giảm một cách thích hợp quy mô của khu vực này. Theo đó, khu vực ngân hàng của đảo quốc Địa Trung Hải này sẽ đạt tới mức trung bình tại EU vào năm 2018.

    Cộng hòa Síp thực sự đã yên?

Phát biểu sau khi kết thúc cuộc thảo luận, Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades tỏ ý hài lòng với kết quả này, đồng thời cho biết các bên đã nỗ lực tột đỉnh. Tiền cứu trợ dành cho Cộng hòa Síp chỉ bằng một phần nhỏ so với tiền cứu trợ dành cho Hy Lạp, song khủng hoảng ở Síp sẽ tác động mạnh đến các nền kinh tế gặp khó khăn khác trong EU như Hy Lạp và Italia.

Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu, Jeroen Dijsselbloem, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels rằng, thỏa thuận này đã đặt dấu chấm hết cho sự bất ổn của nền kinh tế Cộng hòa Síp. Ông không cho biết khi nào các ngân hàng mở cửa trở lại nhưng tiết lộ Cộng hòa Síp sẽ nhận được giải ngân khoản cứu trợ đầu tiên trong gói 10 tỷ EUR vào đầu tháng 5 tới. Ông tin rằng đây là một thỏa thuận tốt vì thiệt hại nặng nhất sẽ được tập trung nơi vấn đề đang diễn ra tại các ngân hàng lớn.

Khu vực ngân hàng của Cộng hòa Síp tăng trưởng mạnh nhờ hút dòng vốn nước ngoài với lãi suất tiết kiệm cao. Quy mô của nền kinh tế Síp khoảng 17 tỷ EUR, trong khi số tiền từ nước ngoài gửi tại Síp gấp ít nhất 8 lần con số này, trong khi tỷ lệ cho vay trên tiền gửi là 100%. Ước tính của Reuters dựa trên dữ liệu của ECB cho thấy một người gửi tiền tại các ngân hàng Síp có thể nhận được lãi suất gần 13% trong vòng chưa tới 1 năm, cao hơn rất nhiều so với mức lợi tức trên 3% của các ngân hàng Đức. Lãi suất tiết kiệm cao, thuế suất thấp đã khiến đất nước này trở thành dòng tiền nước ngoài, phần lớn từ các doanh nghiệp và người dân Nga.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Síp, tính đến cuối năm 2012, chỉ trong khoảng thời gian hơn 6 năm, tổng tiền gửi đã tăng lên gần 2/3. Chính các dòng vốn khổng lồ này đã làm dấy lên lo ngại hệ thống ngân hàng Cộng hòa Síp đã trở thành thiên đường rửa tiền. Với bản cân đối tiền gửi có tỷ lệ cho vay trên tiền gửi gần 100% thì khi khủng hoảng tiền tệ xảy ra, hệ thống ngân hàng Cộng hòa Síp chắc chắn sẽ đối mặt với “án tử hình”.

Phản ứng trước thông tin thỏa thuận vừa đạt được, người dân Síp vẫn còn rất hoài nghi vì không biết khi nào ngân hàng mới hoạt động và điều gì sẽ xảy ra tiếp với một xã hội chỉ xài tiền mặt. Những ngày qua, người dân Síp đã ồ ạt rút tiền, xếp hàng dài trước các máy rút tiền kể từ khi đề xuất ban đầu về việc đánh thuế một lần tiền gửi tiết kiệm được công bố hôm 16-3, khiến các ngân hàng nước này buộc phải đóng cửa sau đó. Lên đến đỉnh điểm rút tiền khó khăn là ngày 24-3, khi hai ngân hàng chính ở nước này đã giảm lượng tiền có thể rút hàng ngày từ các cây rút tiền ATM. Khi dòng người xếp hàng mỗi lúc một dài thêm trước các máy rút tiền trên khắp cả nước, Ngân hàng Laiki đã giảm lượng tiền tối đa có thể rút trong ngày xuống 100EUR, trong khi Ngân hàng Síp giảm mức này xuống 120EUR/ngày.

Trước đó, Ngân hàng Laiki, nhà cho vay lớn thứ hai ở Síp, đã giảm lượng tiền tối đa rút trong ngày xuống 700EUR và tiếp đó là 260EUR. Theo New York Times, cuộc phỏng vấn ngắn tại các của hàng bán lẻ, các trạm xăng và các siêu thị, hầu hết người dân đều không tin rằng với 10 tỷ EUR được đảm bảo của EU và IMF, cuộc sống của họ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.

Để giải cứu hệ thống ngân hàng và thanh toán nợ cho chính phủ, Cộng hòa Síp sẽ cần tới 17 tỷ EUR, gần tương đương với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này. Mặc dù con số này được cho là tương đối nhỏ so với gói cứu trợ dành cho Hy Lạp và Ireland trước đây, song 17 tỷ EUR đối với hòn đảo 1 triệu dân là một gánh nặng quá lớn.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=397
Quay lên trên