Bình Dương hiện vẫn còn nhiều hộ nghèo dù được quan tâm giúp đỡ nhưng không phải ai cũng thoát nghèo nếu không chí thú làm ăn. Gia đình anh Trần Văn Ruộng (ấp Phú Hòa, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát) là một điển hình thoát nghèo cần nêu gương.
Năm 1990, người trai trẻ 24 tuổi Trần Văn Ruộng lập gia đình và bắt đầu cuộc sống mới trên quê hương Hòa Lợi (Bến Cát). Những năm tháng đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ với nghề nhổ đậu thuê không đủ sống qua ngày nên anh Ruộng đã đi đến quyết định bán 5 phân vàng duy nhất trong gia đình và vay mượn thêm để tậu cho mình một con trâu làm “vốn” chăn nuôi. Sau một năm anh bán trâu và thu về hơn 1,4 triệu đồng, số tiền đáng nhớ nhất trong cuộc đời của người trai trẻ. Với số vốn này, anh nuôi thử nghiệm 1 con bò vì biết rằng bò sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn nuôi trâu. Sau 1 năm anh Ruộng bán bò và thu được 3 triệu đồng, nhờ “lãi mẹ đẻ lãi con” mà càng nuôi bò, gia đình anh Ruộng càng dư giả hơn.
Anh Trần Văn Ruộng và đàn bò giúp gia đình anh thoát nghèo hơn 20 năm qua
Từ việc nuôi thử nghiệm 1 con bò, đến năm 2002 đàn bò của anh Ruộng đã tăng lên được 6 con. Anh Ruộng chia sẻ: “Việc chăn nuôi bò đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, từ việc xây nhà cho đến việc sắm sửa đồ dùng trong gia đình. Từ ngôi nhà tranh 4m2 xiêu vẹo, sau 3 lần liên tiếp hùn tiền xây nhà nay tôi mới có được ngôi nhà vững chãi”. Người đàn ông nhỏ thó ngồi nhẩm tính: “Tôi mua mỗi con bê với giá 10 triệu đồng, sau 1 năm bán với giá 20 triệu đồng. Cách đây vài năm, chính quyền xã cho gia đình tôi vay 15 triệu đồng và 3 năm sau mới phải trả lãi nên với số vốn có được cùng với khoản tiền vay thêm mà tôi nuôi được nhiều bò hơn và cũng từ đó cuộc sống gia đình cũng khá dần lên”.
Có được cuộc sống đầy đủ như ngày hôm nay là nhờ sự cần cù, không quản những ngày mưa nắng của 2 vợ chồng để đi lấy thức ăn cho bò. Anh Ruộng hào hứng kể: “Gia đình tôi nuôi bò bằng cỏ và xơ mít. Mỗi sáng sớm 2 vợ chồng đi cắt 2 bao cỏ, đến mùa mít (từ tháng 9 đến tháng 6 năm sau) cả 2 vợ chồng đi lột xơ mít thuê, từ 12 giờ khuya cho tới 6 giờ sáng vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa xin xơ mít về cho bò ăn”.
Vào thời điểm năm 2000, xung quanh gia đình anh Ruộng rộ lên phong trào trồng cao su nhưng do không có đất nên anh cũng chỉ tận dụng được mảnh đất xung quanh nhà để trồng 50 cây và cho đến nay cũng góp phần tăng thêm thu nhập. Với 2 giờ đồng hồ vào mỗi sáng sớm, 2 vợ chồng anh Ruộng kiếm thêm thu nhập trung bình 150.000 đồng/ngày. Bằng sự chịu thương, chịu khó như vậy nên mỗi năm gia đình anh cũng dư giả được chừng 30 triệu và tạm đủ để trang trải cho cuộc sống với 4 miệng ăn.
Mặc dù với tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh Ruộng là không nhiều nhưng nhờ sự hỗ trợ về vốn của chính quyền địa phương và sự cần cù, biết vượt khó, vượt khổ mà gia đình anh nay đã vươn lên trở thành một hộ kinh tế vượt khó điển hình ở xã Hòa Lợi. Tấm gương về anh Trần Văn Ruộng là bài học cho các hộ nghèo khác nỗ lực phấn đấu, đồng thời đó cũng là sự thoát nghèo bền vững cần nhân rộng.
THANH LÊ