Hôm qua 17-3, nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung xuống mức rất thấp, gây ra rét đậm rét hại trên diện rộng.
Băng tuyết phủ trắng ở huyện Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai) trong hai ngày 16 và 17-3.
Miền Bắc: trâu bò lại chết vì rét đậm
Tại xã Công Sơn thuộc huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống 1-2°C. Ông Triệu Sáng Phúc, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết, đợt rét đậm rét hại này lại gây thiệt hại nặng cho chăn nuôi và sinh hoạt của bà con. “Chỉ trong ba ngày, từ 15-3 tới nay đã có 46 con trâu bò của hơn 20 hộ dân ở xã Công Sơn bị chết rét”- ông Phúc nói. Trâu bò chết hàng loạt, người dân phải bán tháo với giá chỉ 4 triệu đồng/con. Còn trâu, bò non thì không bán được, phải đem thui lên để gác bếp. Ở xã Mẫu Sơn bên cạnh và tại các xã khác của huyện Lộc Bình cũng bắt đầu có hiện tượng trâu bò bị chết rét.
Tại tỉnh Lào Cai, nơi cũng đang chịu rét đậm, mưa tuyết bao phủ nhiều nơi, nhiệt độ chỉ còn 7-8°C, riêng các huyện như Sa Pa, Bát Xát là 0-1°C. Do lạnh giá quá bất ngờ, kết hợp với mưa tuyết dày đặc, người dân không kịp lùa trâu bò từ trên rừng về nên 4 con nghé non ở xã Ý Tý (Bát Xát) bị chết rét. Khả năng số gia súc bị chết còn tăng vì địa bàn rộng nên chính quyền địa phương chưa thống kê hết được.
Ông Ma Quang Trung - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, trong đợt rét hồi đầu năm, riêng ở Lào Cai đã có gần 3.000 con gia súc bị chết rét. Hiện các cấp chính quyền ở Lào Cai đang tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo người dân tích cực phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi các loại để giảm thiểu thiệt hại.
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong đợt rét đậm rét hại xảy ra hồi đầu năm nay, tổng cộng đã có 19 tỉnh có gia súc bị chết rét với hơn 60.000 con. Bộ NN-PTNT vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh bị thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua, bao gồm cả hỗ trợ cho trâu bò bị chết rét ở các tỉnh miền núi phía Bắc và lúa cùng hoa màu bị chết ở miền Trung. Tổng mức hỗ trợ được đề nghị là hơn 30 tỷ đồng.
Miền Trung: nhiều tàu thuyền bị nạn trên biển
Ngày 17-3, Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên cho biết, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường nên trên biển Đông có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8, gây sóng lớn, biển động mạnh. Đến nay, các địa phương ở miền Trung đã kêu gọi được hơn 900 tàu thuyền với trên 10 ngàn lao động vào bờ an toàn. Hiện còn trên 100 tàu thuyền, tập trung ở Quảng Ngãi, Quảng Nam vẫn đang hoạt động trên vùng biển nguy hiểm.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: vào ngày 16-7, tại khu vực biển xã Vinh An, huyện Phú Vang đã xảy ra vụ tai nạn thuyền đánh bắt gần bờ. Ông Huỳnh Ngộ (80 tuổi) cùng 2 con là Huỳnh Hồng (32 tuổi) và Huỳnh Hiền (37 tuổi), cùng trú tại thôn An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang cho thuyền ra biển đánh cá, khi ra cách bờ khoảng 300m do sóng to gió lớn đã đánh lật ghe, hậu quả ông Huỳnh Ngộ đã bị sóng đánh chìm và chết, hai người còn lại được bà con cứu vớt.
9 giờ sáng 16-3, tại vùng biển Bình Hải (Bình Sơn, Quảng Ngãi) 2 ngư dân Nguyễn Văn Thành (52 tuổi) và Phùng Quang (49 tuổi) trong lúc chèo thúng ra hành nghề lưới đã bị sóng đánh chìm. Anh Thành may mắn được bà con ngư dân gần đó cứu vớt, còn anh Quang bị sóng nhấn chìm, mất tích. Cùng ngày, tàu cá QNa 04447 do ông Nguyễn Vương (SN 1972, Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng cùng với 3 lao động trong lúc hoạt động đánh bắt trên vùng biển Quảng Ngãi đã bị sóng to, gió lớn làm chết máy, thổi tung cabin, máy định vị và máy liên lạc icom bị hư hỏng hoàn toàn. Ngay sau khi nhận tin báo, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã điều tàu BP 43-13-02 của Hải đội 2 ra ứng cứu. Đến sáng 17-3, tàu cá QNa 04447 đã được lai dắt vào đất liền an toàn.
Mưa rét gây khó cho sản xuất nông nghiệp
Mưa và rét đậm “trái vụ” rơi đúng thời điểm sâu bệnh hại lúa bùng phát đã gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp tại Bắc miền Trung. Hàng vạn hécta lúa xuân-2011 mất khả năng kháng cự sâu bệnh khi thuốc trừ sâu vừa phun trên thân lá đã bị mưa dông rửa trôi. Ngày 17-3, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới ngưỡng 12°C nhưng bà con nông dân Thừa Thiên - Huế vẫn ra đồng từ sáng sớm khoanh vùng, nhổ lúa xuân-2011 nhiễm vi rút lùn sọc đen (LSĐ), đồng thời triển khai các biện pháp diệt trừ rầy lưng trắng và rầy nâu cánh nhỏ (đối tượng môi giới truyền dịch bệnh LSĐ). Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản về việc công bố dịch bệnh LSĐ hại lúa ở 15 xã, phường trên địa bàn với diện tích hơn 1.100ha lúa bị sâu bệnh gây hại, 150ha lúa bị nhiễm LSĐ. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường có dịch bệnh và các địa phương vùng nguy cơ có dịch thi hành nghiêm túc Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh LSĐ hại lúa theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Cùng ngày, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, ngoài các loại sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo, bọ trĩ, rệp mềm, bệnh nghẹt rễ tuyến trùng, chuột… phát sinh, bệnh LSĐ đã lây lan trên giống Xi23, IR38, HC95 ở các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa với diện tích 120,1ha (tỷ lệ hại 2-5%, cục bộ 7-10%); bệnh đạo ôn gây hại trên 105ha diện tích lúa IR38, Xi23.
Theo SGGP