Từ ngày 30-1 đến 2-2, khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh tăng cường trở lại với cường độ khá mạnh kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Như vậy, có khả năng từ ngày 10 đến 14-2 (27 tháng chạp đến mùng một Tết) sẽ có một đợt không khí lạnh khác bổ sung xuống khu vực phía Nam.
Tết này TPHCM thời tiết sẽ đẹp
Nam bộ: Du xuân trong thời tiết đẹp
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến Tết Canh Dần sẽ có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường nên miền Bắc sẽ đón xuân trong tiết trời rét và mưa xuân nhẹ, các đợt rét hầu như liên tục, có nơi rét đậm, rét hại.
Đón xuân ở vùng núi phía Bắc, du khách có thể thưởng thức tiết trời giá rét và sương mù vây quanh đồi núi, bản làng, mang sắc thái thời tiết vùng ôn đới. Ở đỉnh Mẫu Sơn và Sa Pa có khả năng xuất hiện sương muối và băng giá trong những ngày đầu xuân. Nhiều vùng núi phía Bắc, nhiệt độ xuống dưới 10°C, có nơi chỉ còn khoảng 3-5°C như Sa Pa, Lạng Sơn... Nhiệt độ tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ cũng xấp xỉ ngưỡng rét đậm (dưới 13°C ).
Cứ mỗi đợt không khí lạnh tăng cường, ở miền Trung, nhất là khu vực thuộc các tỉnh giữa đèo Ngang và đèo Hải Vân, sẽ đón tết với thời tiết có mưa phùn và rét, xen kẽ là những ngày có lúc trời hừng nắng vào buổi trưa. Nhiệt độ ở Huế có thể xuống thấp khoảng 15-17°C. Trong khi đó các tỉnh thành ven biển như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết với những bãi biển đẹp sẽ có thời tiết ấm áp hơn, nhiệt độ thấp nhất khoảng 18-20°C, chỉ có những cơn mưa xuân nhè nhẹ. Tuy nhiên, gió mùa Đông Bắc liên tục tràn về nên sẽ xuất hiện tình trạng sóng to gió lớn, không thích hợp cho các chuyến du lịch bằng tàu thuyền ra các đảo như Phú Quý, Côn Đảo vì khá nguy hiểm.
Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên phía Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa rải rác; gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5; Vịnh Bắc bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật trên cấp 6, biển động.
Trong khi một số tỉnh phía Bắc chịu rét đậm, rét hại thì thời tiết miền Nam lại khá lý tưởng trong dịp tết năm nay, do chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi không khí lạnh khuếch tán xuống phía Nam. Các tỉnh Nam bộ hầu như ít mưa, thời tiết khô hanh, ban đêm và sáng sớm trời chỉ se lạnh, sương mù khá nhiều, ngày nắng nhiệt độ trung bình 27-30°C. Du xuân đến vùng quê sông nước Cửu Long, tiết trời rất đẹp, không nắng nóng. Riêng vùng ven biển bán đảo Cà Mau xuất hiện mưa xuân nhưng lượng mưa không đáng kể.
Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên ít mưa, nắng vàng và trời lạnh. TP Đà Lạt trời rét với nhiệt độ ban đêm 11-13°C, ban ngày nắng ấm với nhiệt độ từ 23-25°C, không mưa và nắng vàng rực rỡ, rất lý tưởng cho các chuyến du xuân ở vùng cao nguyên này. Tuy nhiên, sương mù khá nhiều nên các chuyến xe lên đèo cần hết sức đề phòng vì tầm nhìn bị hạn chế.
Thời tiết trên biển sẽ chuyển tốt dần, giảm mưa. Vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau sẽ có một số ngày có gió Đông Bắc cấp 6, giật cấp 7, biển động nên tàu thuyền ra khơi vào cuối năm và trong dịp tết cần hết sức cẩn trọng. Các chuyến du lịch đến đảo Phú Quốc khá thuận lợi do trên vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió Đông Bắc cấp 4 - cấp 5, giật trên cấp 5, biển bình thường.
Triều cường có thể gây ngập trong dịp tết
Trong khi thời tiết khá thuận lợi để du xuân, thì từ ngày 30-1, mực nước ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên theo triều cường. Mực nước đỉnh triều cường vùng cửa sông ở mức cao hơn đợt triều cường đầu tháng chạp âm lịch. Ở hạ lưu, mực nước đo được tại trạm Phú An trong kỳ triều cường lên 1,40m, xấp xỉ báo động II, có thể gây ngập một số nơi ở TPHCM như quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 12, quận 8… Những ngày đầu năm Canh Dần lại có triều cường kéo dài từ mùng 1 đến mùng 4 tết cũng sẽ gây ngập ở những khu vực trên.
Theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, ngay trong dịp Tết Canh Dần năm nay, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn có thể tăng cao. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nước mặn từ biển Đông đã theo các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Định An, Cung Hầu, Cổ Chiên, Trần Đề, Ông Đốc, Cái Lớn… xâm nhập đất liền tại một số khu vực thuộc các tỉnh ĐBSCL sâu 70km với độ mặn phổ biến là 0,1‰. Hiện nước mặn có độ mặn từ 4‰ trở lên (gây hại cho cây trồng) đã xâm nhập sâu 30km tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang.
Mực nước sông Mê Công mùa kiệt năm 2010 sẽ thấp hơn so với năm 2009 nên ĐBSCL phải đối mặt với nạn hạn hán. Đồng thời tháng 1 và 2-2010, độ mặn ở các tỉnh ĐBSCL sẽ cao hơn cùng kỳ năm 2009 và độ mặn cao nhất năm nay rơi vào tháng 4 và tháng 5. Nước mặn có độ mặn gây hại cho cây trồng (4‰ trở lên) sẽ xâm nhập sâu vào đất liền từ 40-45km kể từ cửa sông. Hạn và mặn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho vụ lúa đông xuân 2009-2010 tại ĐBSCL.
Theo SGGP