Người mẫu mặc những trang phục làm từ tre, lụa tự nhiên và cotton trong buổi trình diễn thời trang Eco-chic (Gần gũi với thiên nhiên) tại Geneva mới đây mong muốn kêu gọi người tiêu dùng quay về sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.
Một thiết kế từ Eco-Chic Jakarta
Eco-chic Fashion show là sự kiện thường niên của Tổ chức Green2greener và từng tổ chức tại Jarkata (2008), Hong Kong (2009), Thượng Hải (2009) và Geneva (2010). Trong năm 2010, Green2greener đã kết hợp với Liên hiệp quốc để tổ chức Eco-chic Geneva với gần 50 nhà thiết kế đến từ 40 quốc gia trình diễn, giới thiệu những sản phẩm.
Đây là hoạt động mở màn nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Năm quốc tế về sự đa dạng sinh học và cũng nằm trong khuôn khổ của hàng loạt sự kiện thời trang đang tưng bừng diễn ra tại những kinh đô thời trang lớn của thế giới như Milan, Paris, London hay New York.
Peter Ingwersen, nhà thiết kế Đan Mạch, chủ nhãn hiệu thời trang Noir, cho biết các thiết kế của anh sử dụng sợi cotton tự nhiên từ Uganda. Hiện người tiêu dùng bắt đầu có nhận thức về sự ảnh hưởng của thói quen tiêu dùng với những vấn đề môi trường và xã hội. 10 năm trước khi mua một chiếc túi bạn chỉ quan tâm về kiểu dáng, màu sắc và chất liệu. Nhưng bây giờ bạn còn muốn biết nó được sản xuất như thế nào nữa. Đó là sự thay đổi lớn nhất của ngành công nghiệp thời trang.
Một vài công đoạn như làm sạch len sợi, thuộc da, tẩy trắng, nhuộm màu hay in lên vải sợi sử dụng một lượng lớn nước, năng lượng và hóa chất độc hại đồng thời thải ra những thứ có hại cho môi trường.
“Tôi nhận thấy một thực tế là tại đất nước tôi những loại vải sợi vô cơ đang dần đẩy lùi nguồn nguyên liệu truyền thống và làm chúng biến mất.
Công việc này của tôi nhằm làm sống lại các ngành nghề thủ công của địa phương. Hiện nay, công việc của tôi phát triển rất tốt tại Cameroon và mở rộng thị trường ra châu Phi”.(Anggy Haif, nhà thiết kế trang phục cao cấp đến từ Cameroon, có 10 năm kinh nghiệm làm việc với những nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như sợi cây cọ, vỏ cây, hạt cây dại được thu lượm từ trong rừng)
Lucas Assuncao của Hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) phát biểu: "Ngành công nghiệp thời trang có trách nhiệm quảng bá, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm vải sợi có nguồn gốc tự nhiên, kiểu dáng đẹp”.
Doanh thu từ thời trang gần gũi thiên nhiên đạt mức 150 - 200 triệu USD mỗi năm. Đây là dấu hiệu tăng trưởng đáng mừng của thị trường.
Rất nhiều người nghĩ rằng thời trang gần gũi với thiên nhiên là được sản xuất từ sợi bông vải tự nhiên. Trên thực tế vẫn có nhiều nguồn nguyên liệu thay thế khác như sợi cây gai dầu - một loại vải sợi 100% có nguồn gốc tự nhiên.
Ingwersen cũng nhấn mạnh: Thời trang gần gũi với thiên nhiên chỉ có thể phát triển nếu người mua hàng tìm thấy những sản phẩm vừa có thiết kế đẹp, chất lượng tốt và làm từ những nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ.
“Chúng ta phải tạo được cảm hứng cho những nhà thiết kế, người tiêu dùng và cả các phương tiện truyền thông, nếu không công việc này sẽ kết thúc trong vòng hai đến ba năm. Và người ta sẽ chỉ nhớ đến trào lưu thời trang gần gũi với thiên nhiên như một thứ mốt nhất thời.
(Theo Tuổi Trẻ)