Thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị

Thứ tư, ngày 19/02/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (tỷ lệ 96,03%).

 

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng ngày 19-2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả, có 459/459 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 96,03% đại biểu tham gia biểu quyết và chiếm 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết nhiều đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết, để giải quyết điểm nghẽn về thể chế nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng và góp phần vào phát triển đô thị xanh bền vững.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết thí điểm sẽ tạo cơ sở pháp lý cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thành phố trong thời gian qua để thực hiện thành công mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035 theo Nghị quyết số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị (về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), giúp tạo lập hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo báo cáo, các đại biểu tập trung ý kiến và đề nghị làm rõ một số vấn đề về huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư (Điều 4), trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư (Điều 5), phát triển đô thị theo mô hình TOD (Điều 6), phát triển công nghiệp, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực (Điều 7), vật liệu xây dựng và bãi đổ thải (Điều 8), các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh (Điều 9), tổ chức thực hiện (Điều 10), điều khoản thi hành (Điều 11).

qh-duong-sat-1.jpg
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết

Trong đó, việc bố trí nguồn lực cho việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của hai thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết mạng lưới đường sắt đô thị của hai thành phố có quy mô lớn và được đầu tư kéo dài qua nhiều kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, do đó Chính phủ đã đề xuất sử dụng nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, giai đoạn 2031-2035. Chính phủ sẽ căn cứ khả năng cân đối vốn để bố trí cho các dự án đầu tư đường sắt đô thị theo khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết bảo đảm các cân đối vĩ mô, an toàn nợ công theo quy định đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để bảo đảm tính khả thi trong việc huy động nguồn lực.

Về các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay tại khoản 4, Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15, Quốc hội đã cho phép Thành phố được “vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.” Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và phấn đấu tăng trưởng GDP 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 và Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05-02-2025 của Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025 là 8,5%, nên hạn mức vay nợ của Thành phố còn tiếp tục tăng thêm. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Nghị quyết đã quy định: “Trường hợp vượt quá 120% thì Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức dư nợ vay phù hợp theo nhu cầu thực tế của Thành phố” để bảo đảm việc kiểm soát trần nợ công và hạn mức vay.

Đối với ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Nghị quyết theo hình thức thí điểm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định hiện hành.” Thực tế, các nội dung đề xuất tại dự thảo Nghị quyết đều chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định hiện hành, do vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết thí điểm là phù hợp.

Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đã đề xuất bổ sung, chỉnh lý một số nội dung “chi trả hoạt động quy hoạch liên quan đến phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến đường sắt đô thị và quy hoạch khu vực TOD” để có căn cứ cho việc triển khai thực hiện một số hoạt động trước khi có quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; Sửa đổi tên gọi Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Xây dựng để bảo đảm thống nhất với định hướng sắp xếp bộ máy Nhà nước; Và, rà soát, chỉnh lý thứ tự, tên dự án tại danh mục dự án dự kiến kèm theo Nghị quyết cho phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nhận thấy đề xuất của Chính phủ là có cơ sở, do đó đã tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Nghị quyết./.

Theo TTXVN