Thông tin tiếp theo loạt phóng sự điều tra “Nâng cấp giao diện”, tiền mất tật mang!: Cần tăng mức xử phạt để răn đe, chấm dứt các cơ sở thẩm mỹ vi phạm

Cập nhật: 07-07-2023 | 09:16:50

(BDO) Hiện nay, các cơ sở thẩm mỹ xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh những cơ sở hoạt động đúng chức năng được cấp phép thì rất nhiều nơi hoạt động “chui” hoặc làm ăn gian dối, từ đó gây ra nhiều vụ việc đáng tiếc cho khách hàng. 

Liên quan đến vấn đề này, qua trao đổi với P.V báo Bình Dương, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (QL KCB), Bộ Y tế cho rằng tình trạng nở rộ cũng như hoạt động trái phép của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trong thời gian gần đây cần phải được chấn chỉnh


Phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một phối hợp kiểm tra một cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn thành phố

Theo ông Lương Ngọc Khuê, thời gian qua nhiều cơ sở thẩm mỹ viện đã hoạt động chưa đúng quy định nên để xảy ra một số hậu quả đáng tiếc, gây thiệt hại về người và của, tác động xấu đến xã hội, đến ngành y tế.

Thực hiện Quyết định số 1701/QĐ-BYT ngày 5-4-2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 9-1- 2023 của Quốc hội, Bộ Y tế đang xây dựng nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có nội dung quy định cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là một trong những hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (cơ sở dịch vụ y tế) và phải được cấp phép hoạt động, qua đó sẽ tăng cường được công tác quản lý chặt chẽ hơn theo quy định của pháp luật.

Khách hàng, người dân đang có nhu cầu tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để làm đẹp, nâng cấp bản thân mình phải tìm hiểu.

Nếu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, hóa chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3 “Sửa đổi Điều 22” Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.

Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục QL KCB thường xuyên có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố để đôn đốc, nhắc nhở, đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt; đồng thời yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nhiều Sở Y tế đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra đồng thời có báo cáo về việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm.

Tuy nhiên, cần tăng mức xử phạt lên cao hơn nữa để đủ sức răn đe, chấm dứt vi phạm.

Ngoài ra, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đề xuất nội dung quy định cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là một trong những hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (cơ sở dịch vụ y tế) và phải được cấp phép hoạt động.

Qua đó sẽ tăng cường được công tác quản lý chặt chẽ hơn theo quy định của pháp luật. Nghị định đang trong quá trình dự thảo và lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan (trong đó có Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

Hiện nay, tại một số thành phố lớn có biểu hiện quá tải về công tác quản lý đối với các cơ sở bệnh viện, phòng khám, cơ sở thẩm mỹ tư nhân, nhất là đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động theo quy định tại Nghị định số 155/2018/ NĐ-CP.

Do đó, Bộ Y tế (Cục QL KCB) sẽ tiếp tục tăng cường đôn đốc, nhắc nhở các Sở Y tế địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử phạt nghiêm những cơ sở trái phép, vi phạm pháp luật...; đồng thời yêu cầu các Sở Y tế thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở vi phạm để người dân được biết.

PGS-TS-BS Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam; Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.Hồ Chí Minh; PGS bộ môn phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.Hồ Chí Minh: Với các khách hàng khi đi làm đẹp mà tôi gặp, tôi đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần “hãy là những khách hàng khôn ngoan”; phải tìm hiểu về kỹ thuật định làm để có kiến thức cơ bản trước khi đi tư vấn; biết chắt lọc thông tin trước những quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và tìm đến những địa chỉ uy tín có giấy phép, những bác sĩ có chứng chỉ hành nghề để làm đẹp một cách an toàn.

Các bạn có thể tham khảo danh sách các bệnh viện thẩm mỹ, các khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện và các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ có bác sĩ được cấp giấy phép hành nghề qua cổng thông tin của Sở Y tế.

Ngoài ra, trong website của Hội Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam và Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.Hồ Chí Minh cũng có danh sách các hội viên. Đây là những người có đủ tiêu chuẩn và năng lực để hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.

► Bà Võ Thúy Hằng, Phó Trưởng phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một: Theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1-7- 2016 của Chính phủ về quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với điều kiện hoạt động của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện về Sở Y tế.

Người thực hiện các dịch vụ nêu trên phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo được cơ sở hợp pháp cấp.

Riêng các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp phép hoạt động.

Đối với các cơ sở chăm sóc da, spa không thuộc thẩm quyền quản lý cấp phép của Sở Y tế.

Nhằm tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở spa, thẩm mỹ viện, Phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một đã tham mưu UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở.

Tuy nhiên, khi đoàn tiến hành kiểm tra thì chủ cơ sở kinh doanh không có mặt, gây khó khăn cho đoàn kiểm tra về hồ sơ pháp lý.

Ngoài ra, khi đoàn kiểm tra đến, các cơ sở này thường cất hết những dụng cụ y tế như kim tiêm, dao mổ, thiết bị chiếu tia… khiến việc bắt quả tang rất khó khăn!

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên