Thông tư 04 giúp các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động đúng tôn chỉ mục đích hơn

Cập nhật: 03-11-2015 | 08:12:36

Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bình Dương, cho biết như thế khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh việc thực hiện Thông tư 04/2015/ TT-NHNN (Thông tư 04) vừa được NHNN ban hành. Ông Nu cho biết thêm:

Ông Bùi Văn Nu cho rằng, Thông tư 04 được ban hành đã tạo một khung pháp lý mới giúp các QTDND hoạt động ổn định, an toàn và đúng tôn chỉ mục đích hơn. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại QTDND Phước Hòa (Phú Giáo) Ảnh: TRÚC HUỲNH

- Các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) luôn hoạt động với mục tiêu tương trợ thành viên, phát huy sức mạnh của tập thể, giúp nhau phát triển kinh tế hiệu quả... Nhưng hiện nay, trong quá trình hoạt động, các QTDND thường gặp những thử thách về cơ chế, chính sách, thuế, lãi suất và mới đây là giới hạn địa bàn hoạt động.

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của hệ thống QTD trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Bình Dương hiện có 10 QTDND, hoạt động trên 44 xã, phường với 55.156 thành viên tham gia; tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.589 tỷ đồng; dư nợ cho vay 894 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu nằm trong giới hạn cho phép. Những năm qua, hệ thống QTDND trên địa bàn đã phát huy được nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động; bám sát tôn chỉ tương trợ giữa các thành viên; đồng thời thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống, góp phần hạn chế việc cho vay nặng lãi và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương. Như vậy, với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, NHNN trong công tác quản lý, các QTDND trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, hiệu quả, không có QTDND thuộc dạng yếu kém phải cơ cấu.

- Thưa ông, vì sao Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 04 vào thời điểm này?

- Trước khó khăn chung của nền kinh tế trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong đó có hoạt động của các QTDND. Đồng thời, để xác lập hành lang pháp lý an toàn cho các QTDND trong hoạt động phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và tạo sự liên kết chặt chẽ về vốn đối với các thành viên trong tổ chức tín dụng là hợp tác xã, NHNN đã ban hành Thông tư 04.

Thông tư này có một số nội dung mới như: QTDND hoạt động trong địa bàn một xã, một phường, một thị trấn. Địa bàn hoạt động liên xã của QTDND phải là các xã liền kề với xã nơi quỹ đặt trụ sở chính thuộc phạm vi trong cùng một quận, huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh; tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của QTDND tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của QTDND. Tổng mức cho vay của QTDND đối với một thành viên là pháp nhân không được vượt quá tổng số vốn góp và số dư tiền gửi... Thông tư cũng quy định tổng mức góp vốn tối đa của một thành viên không được vượt quá 10% vốn điều lệ của QTDND tại thời điểm góp vốn...

Có thể nói, việc thay đổi các nội dung hoạt động theo Thông tư 04 giúp cho các quỹ hoạt động ổn định và đúng tôn chỉ mục đích hơn. Bên cạnh đó, việc chuyển tiếp đồng thời nhiều nội dung hoạt động cũng là dịp các QTDND phải củng cố lại nhân sự; đồng thời tăng cường công tác quản trị điều hành, rà soát lại các nội dung hoạt động tại quỹ mình nhằm hạn chế được các rủi ro trong hoạt động.

- Theo ông, các quy định này có khó thực hiện đối với các QTD không?

- Theo tôi, không quá khó để chuyển tiếp những nội dung hoạt động hiện tại của các QTDND phù hợp theo quy định. Thông tư 04 đã đưa ra một lộ trình thực hiện cụ thể cho từng nội dung theo quy định tại Điều 47, 48, 49 và 50 của thông tư. Theo đó, các QTDND căn cứ vào thực tế hoạt động của quỹ mình theo từng nội dung chuyển tiếp sẽ xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp theo đặc điểm hoạt động của quỹ để bảo đảm thực hiện đúng tinh thần thông tư, nhưng vẫn duy trì tốt hoạt động của mình. Phương án thực hiện này được gửi về NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương để xem xét phê duyệt thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, các QTDND báo cáo về NHNN kết quả thực hiện và những khó khăn vướng mắc để có chỉ đạo thực hiện kịp thời. Vì vậy tôi nghĩ rằng, việc triển khai thực hiện các phương án chuyển tiếp này sẽ được thực hiện đúng lộ trình và không gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các quỹ.

- Trong quá trình thực hiện, NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương có giải pháp nào tháo gỡ một phần vướng mắc của các QTD, thưa ông?

- Thông tư 04 được ban hành đã tạo một khung pháp lý mới giúp các QTDND hoạt động ổn định, an toàn và đúng tôn chỉ mục đích hơn. Tuy rằng, việc thay đổi đồng thời nhiều nội dung hoạt động theo quy định của Thông tư 04 sẽ làm thay đổi căn bản hoạt động của một số quỹ do các nguyên nhân khách quan như: địa bàn hoạt động bị chia tách địa giới hành chính dẫn đến không liền kề trụ sở chính; thành viên tham gia tại quỹ là dân nhập cư sinh sống tại địa bàn nhưng có hộ khẩu tạm trú hoặc KT3 không đủ điều kiện theo quy định… khiến các QTDND sẽ gặp những khó khăn nhất định trong thực hiện.

Để hỗ trợ các QTDND trong triển khai thực hiện, thời gian qua NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều cuộc họp với các QTDND trên địa bàn để triển khai và hướng dẫn thực hiện Thông tư 04. Chi nhánh cũng đã phân công cán bộ tham gia trực tiếp với các QTDND trong xây dựng và triển khai thực hiện phương án để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc và kiến nghị về NHNN xử lý kịp thời.

Đến nay, 10 QTDND trên địa bàn đã xây dựng xong phương án chuyển tiếp theo tinh thần Thông tư 04 và đã được NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương phê duyệt. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các QTDND theo đúng lộ trình đề ra, đồng thời qua đó tiếp tục hỗ trợ các QTDND khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt tinh thần Thông tư 04. Hiện NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương cũng đã có công văn đề nghị chính quyền địa phương phối hợp hỗ trợ các QTDND trong hoạt động như tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các thành viên trên địa bàn về hoạt động của QTDND, hỗ trợ trong công tác thu hồi nợ, xử lý nợ xấu…

- Xin cảm ơn ông!

Theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31-3-2015 của Thống đốc NHNN Việt Nam, QTD hoạt động trong địa bàn một xã, một phường, một thị trấn; địa bàn hoạt động liên xã của QTD phải là các xã liền kề với xã nơi quỹ đặt trụ sở chính thuộc phạm vi trong cùng một quận, huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh. Thông tư này cũng quy định, QTD có thể được xem xét chấp thuận hoạt động trên địa bàn liên xã nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có tối thiểu 300 thành viên tại thời điểm đề nghị; có vốn điều lệ tối thiểu gấp 5 lần mức vốn pháp định tại thời điểm đề nghị; kinh doanh có lãi trong 2 năm liên tiếp trước năm đề nghị; không vi phạm quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của QTDND theo quy định của NHNN trong 12 tháng liên tiếp trước thời điểm đề nghị...

Về tổng mức góp vốn tối đa của một thành viên không được vượt quá 10% vốn điều lệ của QTD tại thời điểm góp vốn. Đối với vốn góp xác lập tư cách thành viên là số vốn được góp ban đầu khi cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình đã trở thành thành viên của QTD và đã góp phần vốn xác lập tư cách thành viên theo quy định tại Thông tư số 06 trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành thì không phải góp thêm vốn để bảo đảm mức tối thiểu 300.000 đồng...

 

THANH HỒNG (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Thông tư

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1471
Quay lên trên