Thông tư 130/2016/TT-BTC: Doanh nghiệp nên xem đây là thời cơ

Cập nhật: 04-10-2016 | 08:44:07

Thông tư 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành ngày 12- 8-2016. Trong đó, khoản 23, Điều 4 được sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc sử dụng nguyên liệu, tài nguyên khoáng sản. Thực hiện khoản này, các doanh nghiệp (DN) gốm sứ ở Bình Dương lo lắng ngành này sẽ gặp nhiều khó khăn.

 Ngành gốm gặp khó?

Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát cho biết, việc Thông tư 130/2106/TT-BTC quy định về tỷ lệ nguyên liệu, tài nguyên khoáng sản, năng lượng… đối với các DN sản xuất và xuất khẩu gốm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN. Bởi ngoài áp dụng các quy định phải tăng lương tối thiểu, chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho công nhân, theo thông tư này sẽ làm DN gốm thêm khốn khó vì không đươc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Một DN sản xuất gốm xuất khẩu tại Bình Dương. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Còn theo lãnh đạo Công ty Gốm Đại Hồng Phát, việc không hoàn thuế GTGT khi sử dụng nguyên liệu sản xuất trong ngành gốm sứ là một gánh nặng lớn cho DN, vì khi đó giá thành của sản phẩm phải tăng thêm do thuế GTGT đầu vào của DN không được hoàn thuế mà phải cộng vào giá thành sản phẩm.

Lãnh đạo một công ty gốm sứ ở Bình Dương chia sẻ, ngành gốm sứ của nước ta đang phải chịu sự cạnh tranh về giá với các nước như Thái Lan, Trung Quốc… Với tình hình ngành gốm sứ thuộc diện không chịu thuế GTGT thì giá thành sản phẩm cao sẽ không thể cạnh tranh được với các nước khác. Lúc đó, DN gốm sứ của nước ta sẽ mất hợp đồng với đối tác.

Chia sẻ với phóng viên Báo Bình Dương, đại diện Cục Thuế tỉnh cho biết, căn cứ vào những điểm sửa đổi của Thông tư 130/2016/BTC thì DN sản xuất gốm sứ đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hoạt động xuất khẩu sản phẩm gốm sứ là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản (bao gồm cả trực tiếp khai thác hoặc mua vào để chế biến) mà tổng trịgiátài nguyên, khoáng sản cộng với chi phínăng lượng chiếm nhỏ hơn 51% giáthành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản. Trong đó, trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng được xác định theo điểm b, khoản 1, Điều 1 của thông tư này thì số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa xuất khẩu thuộc trường hợp, đối tượng hoàn thuế theo quy định tại điểm 4, khoản 3, Điều 1 của Thông tư 130/2016/ TT-BTC (trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan thuộc diện không được hoàn thuế).

Trường hợp sản phẩm gốm sứ xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản (bao gồm cả trực tiếp khai thác hoặc mua vào để chế biến) mà tổng trịgiátài nguyên, khoáng sản cộng với chi phínăng lượng chiếm từ 51% giáthành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản thì thuộc đối tượng không áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% mà thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trong khi đó, số thuế GTGT đầu vào để sản xuất hàng hóa này DN không được khấu trừ mà tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh, nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18-6- 2014 và Thông tư số 96/2015/ TT-BTC ngày 22-6-2015 của Bộ Tài chính.

Khuyến khích làm tăng GTGT sản phẩm

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về vấn đề nói trên, luật gia Hoàng Long Vân (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, về cơ bản Thông tư 130/2016/ BTC sẽ có tác động đến một số ngành nghề, nhưng đối với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu vẫn được hưởng lợi rất nhiều. Thuế GTGT là một loại thuế gián thu tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam. Hoàn thuế GTGT là việc ngân sách Nhà nước trả lại cho cơ sở kinh doanh hoặc tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ số tiền thuế đầu vào đã trả khi mua hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh còn chưa được khấu trừ trong kỳ tính thuế hoặc hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tiêu dùng của tổ chức, cá nhân đó

Theo các chuyên gia, số 78/2014/TT-BTC có tác động tốt cho DN sản xuất có hàm lượng công nghệ cao nhưng sẽ ảnh hưởng không tốt cho việc xuất thô tài nguyên, khoáng sản và nguyên liệu. DN sản xuất sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản (bao gồm cả trực tiếp khai thác hoặc mua vào để chế biến) có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản khi xuất khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp DN không xuất khẩu mà bán cho DN khác để xuất khẩu thì DN mua hàng hóa này để xuất khẩu phải thực hiện kê khai thuế GTGT như sản phẩm cùng loại, do DN sản xuất trực tiếp xuất khẩu và phải chịu thuế xuất khẩu theo quy định

Nếu DN gốm mua nguyên liệu, cộng chi phí năng lượng có tổng giá trị trên 51% giá thành sản xuất thì không chịu thuế GTGT. Như vậy, giá bán của DN sẽ không cấu thành thuế GTGT hàng hóa bán ra, từ đó tăng khả năng cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Còn nếu giá mua đất sét (hoặc chi phí khai thác đất sét) cộng chi phí năng lượng chiếm dưới 51% giá thành sản xuất thì phải chịu thuế.

Nếu nhìn xa hơn, đây là thông tư rất có lợi đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như may mặc, giày da, gỗ, điện tử… Bởi từ thông tư này đã khuyến khích nhiều DN áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chú trọng đầu tư hơn cho công nghệ và làm tăng GTGT cho sản phẩm. Từ đó đưa ngành công nghiệp của cả nước phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực.

Trở lại với lo lắng của các DN gốm sứ ở Bình Dương, nhiều DN kiến nghị cần xem nguyên liệu để sử dụng trong ngành sản xuất gốm sứ không thuộc diện chịu thuế GTGT. Từ đó giúp DN ngành gốm sứ được hoàn thuế GTGT để giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh hơn so với sản phẩm của các nước khác. 

Tại điểm b, khoản 1, Điều 1, Thông tư số 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung khoản 23, Điều 4, Thông tư số 219/2013/TT-BTC về đối tượng không chịu thuế GTGT quy định:

Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trịgiátài nguyên, khoáng sản cộng với chi phínăng lượng chiếm từ 51% giáthành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từtài nguyên, khoáng sản. Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từtài nguyên, khoáng sản có tổng trịgiátài nguyên, khoáng sản cộng với chi phínăng lượng chiếm từ 51% giáthành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từtài nguyên, khoáng sản.

Tài nguyên, khoáng sản là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên; khí than. DN sản xuất sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản (bao gồm cả trực tiếp khai thác hoặc mua vào để chế biến) có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từtài nguyên, khoáng sản khi xuất khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Trường hợp DN không xuất khẩu mà bán cho DN khác để xuất khẩu thì DN mua hàng hóa này để xuất khẩu phải thực hiện kê khai thuế GTGT như sản phẩm cùng loại do DN sản xuất trực tiếp xuất khẩu và phải chịu thuế xuất khẩu theo quy định…

 

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1817
Quay lên trên