Thông tư số 17: Những điểm mới về đăng ký kế hoạch và thẩm định đề án khuyến công

Cập nhật: 22-09-2018 | 15:25:58

Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BCT ngày 10-7-2018 (Thông tư 17) có hiệu lực từ ngày 23-8-2018. Thông tư 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia. Các số báo trước đã đăng về các điểm mới của Thông tư 17 về tạm ứng kinh phí một lần, bổ sung thêm quy định về đề án điểm, đề án nhóm, đề án theo đối tượng cụ thể và nhiệm vụ khuyến công quốc gia thường xuyên, quy định cách thức triển khai các đề án, quy định cụ thể hơn về tiêu chí chung và tiêu chí ưu tiên lựa chọn đề án, nhiệm vụ. Số báo này sẽ đăng một số điểm thay đổi của Thông tư 17 về đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia, thẩm định đề án khuyến công các cấp, thành phần, số lượng hồ sơ, thời gian đăng ký và thay thế, bổ sung, bãi bỏ một số mẫu biểu tại các phụ lục...

Trung tâm Khuyến công Bình Dương trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Hội nghị Công tác khuyến công khu vực miền Trung tổ chức tại tỉnh Phú Yên vào trung tuần tháng 7 năm 2018   

Thay đổi về đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia

Thông tư 17 đã sửa đổi về việc đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia như sau: Các đơn vị gửi đăng ký kế hoạch về Sở Công thương gồm các tài liệu: Công văn đề nghị của đơn vị; Danh mục đề án, nhiệm vụ đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia.

Sở Công thương tổng hợp, lựa chọn và gửi báo cáo đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia theo quy định về Cục Công thương địa phương trước ngày 20-6 hàng năm.

Hồ sơ thẩm định cấp cơ sở gồm: 2 bộ hồ sơ đề án đã đăng ký hoặc bản đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia (đối với đề án điểm) về Sở Công thương để thẩm định cấp cơ sở.

Hồ sơ đề án gồm: Đề án được lập theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; Văn bản đề nghị hỗ trợ của đơn vị thụ hưởng (đối với đề án mà đơn vị thực hiện đề án không đồng thời là đơn vị thụ hưởng). Một số dạng đề án phải kèm theo các tài liệu như quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Hồ sơ thẩm định cấp bộ: Các địa phương, đơn vị và Trung tâm Khuyến công quốc gia ở các vùng gửi 1 bộ hồ sơ đề án đã đăng ký hoặc bản đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia (đối với đề án điểm) về Cục Công thương địa phương trước ngày 30-9 hàng năm (trường hợp khác theo hướng dẫn của Cục Công thương địa phương) để thẩm định cấp bộ. Hồ sơ đề án gồm:

- Đề án khuyến công quốc gia.

- Phiếu thẩm định cấp cơ sở (theo Mẫu số 4a hoặc 4b của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này).

- Một số dạng đề án phải kèm theo các tài liệu như quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 11 như sau: Cục Công thương địa phương trình Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt đối với các đề nghị điều chỉnh: Tăng tổng mức kinh phí hỗ trợ; thay đổi nội dung hoạt động khuyến công; gia hạn thời gian thực hiện đề án sang năm tiếp theo; bổ sung hoặc ngừng thực hiện đề án để điều chỉnh kinh phí hỗ trợ giữa các đơn vị thực hiện trong năm ngân sách.

Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 11 như sau: Đối với các đề án nhóm do Sở Công thương thẩm định, đăng ký (trừ đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp), khi điều chỉnh thay đổi địa điểm, đơn vị phối hợp, đơn vị thụ hưởng, Sở Công thương chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định và điều chỉnh kế hoạch thực hiện, đồng thời gửi văn bản điều chỉnh về Cục Công thương địa phương để theo dõi, tạm ứng, thanh quyết toán.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 6 Điều 12 như sau: Việc tạm ứng, thanh toán và quyết toán kinh phí khuyến công quốc gia áp dụng đối với các đơn vị thực hiện đề án, nhiệm vụ của một số nội dung hoạt động khuyến công quốc gia (bên B) thông qua hợp đồng ký với Cục Công thương địa phương theo kế hoạch khuyến công quốc gia được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt. Đối với các đề án, nhiệm vụ giao cho các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ Công thương, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp thực hiện thẩm định dự toán, xét duyệt quyết toán theo quy định hiện hành.

Đơn vị thực hiện đề án phải hoàn trả Cục Công thương địa phương để nộp ngân sách Nhà nước đối với phần kinh phí đã nhận nhưng không có khối lượng thanh toán, những khoản kinh phí đã sử dụng nhưng không được quyết toán theo chế độ quy định.

Thông tư 17 quy định rõ về hồ sơ tạm ứng hợp đồng thực hiện đề án; kế hoạch tổ chức thực hiện đề án của đơn vị thực hiện (đối với các hoạt động đào tạo, hội nghị, hội thảo, tham quan khảo sát; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu).

Đối với các đề án hỗ trợ tổ chức hội chợ, triển lãm; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm; xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; xây dựng cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử; in tờ rơi, tờ gấp; các hình thức thông tin đại chúng khác; lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp.

Hồ sơ tạm ứng gồm: Hợp đồng thực hiện đề án; hợp đồng hỗ trợ giữa đơn vị thực hiện với chủ đầu tư (đối với đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp).

Đối với các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn; sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Hồ sơ tạm ứng: Hợp đồng thực hiện đề án, báo cáo tiến độ của đơn vị thực hiện xác định giá trị khối lượng công việc đã thực hiện tương ứng trên 70% tổng vốn đầu tư của dự án.

Đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp: Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của cơ quan có thẩm quyền; Hợp đồng, biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng tương ứng 100% số kinh phí thực hiện.

Đối với đề án hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn: Thực hiện thanh toán một lần sau khi đề án hoàn thành; hồ sơ thanh toán gồm: Hợp đồng thực hiện đề án; biên bản nghiệm thu cơ sở theo Mẫu số 5b của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề án; báo cáo khối lượng hoàn thành và kinh phí thực hiện hợp đồng theo Mẫu số 3b của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Quy định mới về kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề án

Thông tư 17 sửa đổi, bổ sung Quy định mới về kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề án.

Đối với các đề án, nhiệm vụ do Sở Công thương thẩm định cấp cơ sở: Sở Công thương kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề án bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định; phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đối với đề án nhóm và đề án điểm. Riêng đối với đề án điểm, ngoài việc thẩm định cấp cơ sở cho cả giai đoạn của đề án, Sở Công thương thẩm định cấp cơ sở đối với các nội dung hoạt động khuyến công theo từng năm kế hoạch; kiểm tra, nghiệm thu từng nội dung trong đề án; chỉ đạo đơn vị thực hiện lập báo cáo kết quả thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công theo từng năm và báo cáo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện sau khi kết thúc đề án. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, báo cáo tài chính, các tài liệu liên quan khác phục vụ công tác thẩm định được lưu tại Sở Công thương.

Đối với một số dạng đề án, nhiệm vụ thực hiện theo Luật Đấu thầu: Sau khi nhận được quyết định giao kế hoạch khuyến công quốc gia của Bộ trưởng Bộ Công thương, căn cứ phân cấp quản lý tại địa phương, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình cấp có thẩm quyền hoặc chỉ đạo đơn vị thực hiện đề án tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định và gửi quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu về Cục Công thương địa phương để làm cơ sở ký kết hợp đồng khuyến công quốc gia.

Đối với đề án về sản xuất sạch hơn: Ngoài việc thực hiện nghiệm thu cơ sở theo quy định tại Thông tư này, Sở Công thương thành lập Hội đồng đánh giá có ít nhất 5 thành viên do lãnh đạo Sở Công thương làm chủ tịch, các thành viên còn lại là cán bộ chuyên môn thuộc các sở, ban, ngành và chuyên gia về đánh giá sản xuất sạch hơn. Hội đồng có trách nhiệm họp, xem xét kết quả và lập biên bản đánh giá.

Các đơn vị thực hiện đề án hàng tháng lập báo cáo tiến độ thực hiện các đề án theo Mẫu số 3a của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Cục Công thương địa phương, Sở Công thương trước ngày 25 hàng tháng. Đối với báo cáo tiến độ liên quan đến đề nghị tạm ứng kinh phí khuyến công phải có kiểm tra, xác nhận của Sở Công thương nơi triển khai thực hiện đề án.

Thông tư 17 đã thay thế cụm từ “Cục Công nghiệp địa phương” bằng cụm từ “Cục Công thương địa phương”.

TTKC

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên