Thủ Dầu Một: Ngày ấy, bây giờ...

Cập nhật: 26-06-2012 | 00:00:00

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, vùng đất Thủ Dầu Một được “khai sinh” cách đây hơn 300 năm giờ đã có nhiều đổi thay. Không chỉ là vùng đất thuận lợi trong giao thương, nổi tiếng với những làng nghề truyền thống mà Thủ Dầu Một còn biết đến như là cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng. Và hôm nay, Thủ Dầu Một cùng với các địa phương khác của  Bình Dương đang vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Địa lợi

Cách đây hơn 300 năm vào giữa thế kỷ XVIII, những di dân Việt có nguồn gốc từ miền Bắc, miền Trung đã ngược dòng sông Sài Gòn đến vùng đất Thủ Dầu Một (trước đây là huyện Bình An) khai hoang, dựng nhà, lập ấp. Do có vị trí địa lý thuận lợi, giao thương phát triển nên nơi đây được nhiều người dân tìm đến lập nghiệp. Bên cạnh những cư dân người Việt theo nối vết chân Kinh lược của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh còn có người Hoa đã đặt chân đến Thủ Dầu Một từ rất sớm. Với sự có mặt của người Hoa, nghề gốm sứ ra đời và phát triển rực rỡ góp phần tạo nên mối giao thương giữa Thủ Dầu Một với các vùng lân cận. Đời sống người dân dần biến đổi theo chiều hướng phát triển sung túc, thịnh vượng. Khu vực ven sông Sài Gòn đã có nhiều người dân sinh sống. Chính con sông hiền lành này là mạch máu giao lưu để vận tải hàng hóa với khối lượng lớn xuống Sài Gòn, Chợ Lớn đi các tỉnh. Đường thủy trên sông Sài Gòn nhộn nhịp tấp nập, nhất là khu vực Phú Cường nơi có chợ Thủ phát triển phồn thịnh. 

Thủ Dầu Một hướng tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại và thân thiện

Không chỉ nổi tiếng với chợ Thủ quanh năm tấp nập cảnh bán mua, Thủ Dầu Một còn được biết đến là cái nôi của nhiều làng nghề. Theo tài liệu lịch sử, những di dân sau khi đã khai khẩn đất đai, tạo dựng nhà cửa, mưu sinh ổn định, trong những lúc rảnh rỗi công việc ruộng vườn, những lưu dân này đã thực hiện những bức sơn mài đầu tiên để tưởng nhớ đến quê cha đất tổ. Chính những bức sơn mài đầu tiên đó đã được những người giàu có trong vùng biết đến và họ đã đặt mua những bức tương tự để đem về trưng bày trong nhà. Nghề sơn mài bắt đầu phát triển từ đó. Tiếng lành đồn xa, hàng đặt ngày càng nhiều, từng gia đình bắt đầu chuyên về nghề này và lôi kéo cả làng cùng làm sơn mài. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp ra đời từ đó và vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay.

Nói đến làng nghề ở Thủ Dầu Một không thể không nhắc đến nghề gốm sứ. Cùng với làng nghề gốm Lái Thiêu và Tân Phước Khánh, làng nghề gốm Chánh Nghĩa (TX.TDM) đã có lịch sử hàng trăm năm. Theo tài liệu nghiên cứu, vào khoảng những năm 1840-1850 có 3 lò gốm xuất hiện đầu tiên ở Chánh Nghĩa. Sau đó nghề gốm dần định hình và phát triển thành làng nghề đông đúc cho đến ngày nay. Cũng như các làng nghề điêu khắc, sơn mài, làng gốm Thủ Dầu Một không chỉ làm ra của cải, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn thể hiện nét văn hóa, lịch sử truyền thống của Thủ Dầu Một nói riêng và Bình Dương nói chung.

Nơi khởi nguồn phong trào cách mạng

Thủ Dầu Một là một trong những nơi có phong trào cách mạng phát triển sớm ở miền Nam, cũng là nơi đã chuẩn bị cho cuộc cách mạng tháng Tám một cách khẩn trương chu đáo để rồi sau đó cùng cả nước vùng lên cướp chính quyền, lật đổ chế độ thống trị tàn bạo của thực dân phong kiến xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Theo tài liệu còn lưu giữ, để thực hiện thành công việc cướp chính quyền về tay nhân dân giành chắc phần thắng, tháng 3-1945, Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một đã triệu tập cuộc họp bất thường tại TX.Thủ Dầu Một để đề ra nhiệm vụ cấp bách là phải thành lập các đội tự vệ ở cả nông thôn và thành thị. Tỉnh ủy cũng khẩn trương trang bị vũ khí cho các đội tự vệ để đủ sức chiến đấu với kẻ thù. Song song đó các đoàn thể cứu quốc cũng được tập hợp lại trong mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tháng 7-1945 đội tự vệ Lò Chén (Phú Cường), các đội thanh niên tiền phong ở Phú Hòa, Chánh Hiệp... đã hoạt động mạnh. Phong trào quần chúng và các đội tự vệ ở Thủ Dầu Một phát triển mạnh mẽ, không khí khởi nghĩa bao trùm các làng mạc phố phường. Tại TX.Thủ Dầu Một đêm 24-8 lực lượng tự vệ và nhân dân đã tấn công tỉnh lỵ. Lực lượng cách mạng ồ ạt khiến lính Nhật, bọn bảo an, cảnh sát chính quyền phản động phải đầu hàng không điều kiện. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trên dinh Tỉnh trưởng. Chính quyền đã về tay nhân dân. Cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 cướp chính quyền tại Thủ Dầu Một giành được thắng lợi, chứng minh hùng hồn sức mạnh đoàn kết của phong trào quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thủ Dầu Một. Suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, khó khăn, với tinh thần quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho thắng lợi của cách mạng, Đảng bộ, chính quyền Thủ Dầu Một thực sự lớn mạnh, trưởng thành đã góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tại Nam bộ, đưa lại nền độc lập tự do cho dân tộc.

Đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thật xúc động và xen lẫn niềm tự hào khi chứng kiến những đổi thay trên quê hương Thủ Dầu Một giàu truyền thống cách mạng. Kể từ khi tái lập tỉnh Bình Dương cho đến nay, với vị trí thuận lợi là trung tâm chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, TX.TDM đã được chú trọng đầu tư phát triển về mọi mặt, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng. Nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 30km, trên quốc lộ 13, tuyến đường Bắc - Nam, thị xã đã trở thành một đầu mối giao lưu buôn bán quan trọng. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn ở mức cao, hơn 11%, cơ cấu kinh tế chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ, thị xã đang có những bước chuyển đổi không ngừng. Năm 2011, mặc dù kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn nhưng TX.TDM đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Kinh tế tăng trưởng vượt chỉ tiêu đề ra với mức tăng đạt 27,7%; chuyển dịch đúng theo cơ cấu thương mại, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60,8% - 38,9% - 0,3%. Doanh thu ngành thương mại, dịch vụ tăng khá cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 22.932 tỷ đồng, đạt 129% kế hoạch năm. Trong đó khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt mức tăng cao nhất 31,4%; khu vực kinh tế Nhà nước tăng 28,9%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt gần 7.109 tỷ đồng, tăng 22,3% so với chỉ tiêu năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/người/năm, đạt hơn 120% so với năm 2010.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội được tập trung đầu tư mạnh mẽ. Nhiều công trình giao thông quan trọng như đường Nguyễn Chí Thanh, đường 30/4, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Nguyễn Tri Phương, Bạch Đằng và nhiều tuyến giao thông do phường, xã đầu tư mở rộng đã tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều trường học, trạm y tế được đầu tư xây mới theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Năm 2007, TX.TDM đã được công nhận là đô thị loại III và đến cuối năm 2011 các chỉ tiêu chủ yếu đối với đô thị loại II cơ bản TX.TDM đã đạt. Các dự án khu dân cư mới như: Hiệp Thành 1, 2, 3; Phú Hòa, Becamex City Center... đã được hình thành cùng với hệ thống công trình tạo lực được đầu tư tại 2 phường Hòa Phú, Phú Tân, góp phần làm thay đổi diện mạo của thị xã. Một đô thị văn minh, hiện đại đang hiển hiện ngày càng rõ hơn.

Trong lần trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, Chủ tịch UBND TX.TDM Nguyễn Thành Tài cho biết, sau khi TX.TDM lên thành phố, Đảng bộ, chính quyền thành phố Thủ Dầu Một sẽ huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng và vị trí của đô thị trung tâm để xây dựng và phát triển nhanh hơn, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I.

TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=396
Quay lên trên