Hiện nay ở một số địa phương, vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt gặp không ít khó khăn, vì vậy nếu công tác này được xã hội hóa mạnh sẽ giảm áp lực cho chính quyền địa phương.
Nhằm bảo đảm việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mua sắm xe chuyên dụng phục vụ cho việc thu gom rác
Địa phương tích cực hỗ trợ
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cùng với đơn vị thu gom rác dân lập xây dựng phương án thu gom rác thải trên địa bàn. Trên cơ sở này, đơn vị thu gom rác cùng với chính quyền và ngành chức năng đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác thu gom rác sinh hoạt trong khu dân cư nên việc rác bị tồn đọng đã giảm nhiều.
Theo tìm hiểu của P.V, để đạt được kết quả này, nhiều địa phương phối hợp với doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Ngoài ra, nhiều địa phương còn mạnh dạn xây dựng điểm trung chuyển rác theo quy chuẩn để tránh tình trạng rác để quá lâu, ảnh hưởng đến môi trường.
Một trong những địa phương có cách làm hiệu quả là xã An Tây, TX.Bến Cát, địa phương đang có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh. Với sự gia tăng dân số trên địa bàn xã nhanh nên số lượng rác thải cũng tăng theo từng năm. Để giải quyết tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt, chính quyền xã An Tây đã triển khai công tác xã hội hóa trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo quy định. Ông Nguyễn Xuân Phong, Chủ tịch UBND xã An Tây, cho biết: “Trên cơ sở khảo sát, thống kê, đánh giá về mật độ dân số, giao thông và khối lượng, thành phần rác sinh hoạt, địa phương đã xây dựng mô hình xã hội hóa thu gom rác. Theo đó, chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực, thành phần trong xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Mô hình đã nhận được sự đồng thuận phía người dân. Từ đó, trên địa bàn không còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ra bờ sông, kênh rạch, vỉa hè, lòng lề đường và các điểm công cộng như trước đây”.
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, hiện nay địa phương đang xây dựng các mô hình tuyến đường không rác, ấp không rác, điểm công cộng văn minh. “Tại các ấp, người dân tự phân loại rác thải tại nguồn, giúp doanh nghiệp giảm áp lực thu gom rác. Đáng mừng là rác đã được người dân bỏ vào bao bì để đúng nơi quy định để đơn vị vận chuyển đến điểm tiêu hủy theo quy định. Nhằm bảo đảm cho công tác xã hội hóa thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, địa phương vận động đơn vị thu gom đầu tư xe ép rác chuyên dụng”, ông Nguyễn Xuân Phong, Chủ tịch UBND xã An Tây cho hay.
Trong khi đó, ông Lưu Vĩnh Quốc, Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, cho rằng: “Nhằm thực hiện thành công tác mục tiêu bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu dân cư, nâng cao chất lượng sống về môi trường, địa phương tiếp tục nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xã hội hóa việc thu gom rác thải trên địa bàn. Theo đó, hệ thống chính trị cấp xã đã vào cuộc vận động người dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng; huy động tối đa mọi nguồn lực, giúp đỡ đơn vị thu gom rác thải dân lập từng bước đầu tư cho mạng lưới thu gom hoàn thiện. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, vừa qua chúng tôi đã đầu tư xây dựng một điểm trung chuyển, tập kết rác tại ấp Chợ với diện tích 300m2. Song song đó, địa phương đưa các hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trở thành tiêu chí thi đua của các tổ chức, cá nhân và các hộ dân”.
Cùng với các hình thức tuyên truyền, xã Thanh Tuyền đã tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.
Người dân, doanh nghiệp đồng thuận
Cùng với quá trình đô thị hóa, dân số ở nhiều địa phương đã tăng mạnh trong những năm gần đây, từ đó rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp… tăng nhanh. Nhằm kịp thời ngăn chặn việc rác thải phát sinh, chính quyền các địa phương xác định người dân là trung tâm để “xóa” tình trạng rác thải bỏ tràn lan. Các địa phương đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền. Hưởng ứng chương trình này, người dân và các cơ sở thu gom rác thải dân lập đã thể hiện sự đồng thuận cao, đem lại hiệu quả thiết thực.
Ông Đặng Văn Ton, chủ một cơ sở thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, cho biết: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyên truyền, vận động người dân chấp hành việc bỏ rác đúng quy định nên đơn vị rất thuận lợi khi thu gom rác. Để rác thải sinh hoạt không bị tồn đọng trong khu dân cư, chúng tôi không ngừng đầu tư phương tiện, tuyển thêm nhân viên thu gom rác nhằm đáp ứng việc thu gom theo đúng quy định. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của địa phương và được nhân dân hưởng ứng nên việc thu gom rác trên địa bàn phường Tân Phước Khánh luôn đúng tiến độ”.
Ghi nhận về sự chuyển biến tích cực trong việc chuyển đổi mô hình xã hội hóa trong việc thu gom rác thải sinh hoạt, ông Nguyễn Văn Đông, chủ cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, cho biết ông đánh giá rất cao công tác xã hội hóa việc thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn trong thời gian qua. “Trong nhiều năm nay trên địa bàn phường không tồn tại rác thải phát sinh, rác thải sinh hoạt không bị ứ đọng qua nhiều ngày. Theo tôi, để đạt được kết quả cao như vậy, đơn vị thu gom rác dân lập đã làm việc rất tận tâm”, ông Đông cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Sự ra đời của mô hình xã hội hóa thu gom rác thải sinh hoạt đã giúp chúng tôi giải quyết được việc thu gom, vận chuyển rác đi xử lý theo đúng quy định. Để môi trường sống của người dân được bảo đảm, thời gian qua, TP.Thuận An đã yêu cầu các đơn vị thu gom rác thải dân lập trên địa bàn phải tích cực đầu tư mua sắm xe ép rác chuyên dụng để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn không còn phản ánh tình trạng rác thải sinh hoạt ứ đọng qua nhiều ngày, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Đây là điều đáng mừng”. |
THANH QUANG