Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp (KCN). Bằng nhiều giải pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN), tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng… các KCN tiếp tục là khu vực tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng DN, DN trong các KCN của tỉnh tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Bonfiglioli Việt Nam
Vượt khó tăng trưởng
Năm 2023 là một năm có quá nhiều thách thức khi các DN đối mặt với việc thiếu đơn hàng, thanh khoản kém, xuất khẩu cầm chừng… Tuy vậy, Bình Dương tiếp tục có tên trong top những tỉnh, thành có số vốn đầu tư FDI, xuất khẩu cao của cả nước. Theo ông Trương Văn Phong, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, trong năm năm 2023, mặc dù chịu ảnh hưởng khó khăn chung của tình hình kinh tế, nhưng với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực của tỉnh, nỗ lực vượt khó của DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN của tỉnh vẫn được duy trì ổn định, phát huy lợi thế và đạt được những kết quả khả quan.
Kết quả, trong năm 2023, doanh thu của các DN trong KCN đạt 36.166 triệu đô la Mỹ, kim ngạch xuất khẩu đạt 25.121 triệu đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu đạt 20.749 triệu đô la Mỹ. Các KCN thu hút đầu tư trong nước được 6.033 tỷ đồng, đạt 548% kế hoạch, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,22 tỷ đô la Mỹ, giảm 54,8% so với cùng kỳ, đạt 111% kế hoạch.
Hiện tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN đang bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo đang tăng trở lại, tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu, đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh. Lũy kế đến nay, các KCN Bình Dương có 3.080 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.400 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 29 tỷ đô la Mỹ và 680 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 93.576 tỷ đồng.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư đến KCN nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh cùng với các sở, ngành thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc DN, nhà đầu tư các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, châu Âu… Thông qua các chương trình hội nghị xúc tiến đầu tư, các KCN tiếp tục giới thiệu tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên chủ động rà soát, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho DN đến đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN trên địa bàn; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN. Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng DN, các DN tại tất cả các KCN của tỉnh vẫn giữ được nhịp sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tăng sức hút đầu tư
Theo các nhà đầu tư, Bình Dương có tầm nhìn quy hoạch khá tốt khi hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, luôn có định hướng kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua các tuyến Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn... Hầu hết các KCN tại tỉnh đều được quy hoạch, định hướng xây dựng hiện đại, chất lượng cao.
Để tăng sức cạnh tranh, Bình Dương đang tập trung thu hút đầu tư vào các KCN được quy hoạch. Theo lãnh đạo tỉnh, với những định hướng về quy hoạch, tỉnh đang dành 20.000 ha đất phát triển đô thị và 25.000 ha đất để phát triển công nghiệp. Hiện tỉnh đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao.
Để thích ứng với bối cảnh mới, tỉnh đang xây dựng phát triển các KCN theo hướng chuyên sâu hơn để thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả. Trương Văn Phong, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết Bình Dương đang xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN trên địa bàn; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN. Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng DN, như cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024.
TRIẾT NHÂN