Sau 46 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành vùng đất đầy tiềm năng, mở ra cơ hội đón đợi các nhà đầu tư. Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là ngành chủ lực, thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kinh tế - xã hội (KT-XH) đã đạt được những thành tựu to lớn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Bình Dương đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tiếp tục xác định công nghiệp là ngành chủ lực của nền kinh tế. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Thành quả nổi bật
Nhớ lại những năm đầu tái lập tỉnh, những khu công nghiệp (KCN) đầu tiên như Sóng Thần, Bình Đường… được xây dựng đã trở thành một trong những bước đệm để hình thành nên hàng loạt KCN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là VSIP 1 đã trở thành KCN kiểu mẫu tại Việt Nam về mọi mặt. Đột phá bằng công nghiệp, Bình Dương từ một tỉnh thuần nông trở thành một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh nhất Việt Nam. “Đất lành” Bình Dương đã tạo môi trường thông thoáng chào đón các nhà đầu tư và bằng lực hút, sức lan tỏa mạnh mẽ, hàng ngàn doanh nghiệp (DN) của 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Bình Dương “chọn mặt gửi vàng”.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 4.000 dự án FDI với tổng số vốn trên 35,8 tỷ đô la Mỹ, từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 9,2% vốn FDI của cả nước; quy mô trung bình dự án khoảng 9,1 triệu đô la Mỹ. Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn FDI. Dòng vốn FDI đã góp phần tạo nên những đổi thay to lớn trong đời sống KT-XH của tỉnh. |
Giai đoạn 2015-2020, Bình Dương thu được nhiều thành tựu kinh tế, trong đó có sự đóng góp đáng kể của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đó là hành trang để nền kinh tế của tỉnh bước vào giai đoạn mới, với mục tiêu phát triển cao hơn. Với dòng vốn FDI, Bình Dương hôm nay đã mang trên mình một diện mạo hoàn toàn khác biệt, là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố và 2 thị xã, sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Đến nay, tỉnh có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 10.000ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam. Bình Dương đã và đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn FDI. 3 tháng đầu năm 2021, Bình Dương tiếp tục có tên trong top 3 tỉnh thành có số vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Ông Mai Hùng Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, sau những thành công trong thu hút vốn FDI, Bình Dương đang triển khai thực hiện chiến lược thu hút đầu tư cho những giai đoạn tiếp theo. Với những nỗ lực của mình, Bình Dương ngày càng khẳng định ưu thế hấp dẫn trong thu hút FDI. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển, trong đó, xác định thu hút vốn FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Quan điểm nhất quán của tỉnh vẫn là thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân...
Hạt nhân tăng trưởng
Bình Dương xác định công nghiệp là ngành phát triển chính, vì thế tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho phù hợp. Kết quả, Bình Dương trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, góp phần tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 31 KCN, trong đó có 29 KCN đã đi vào hoạt đông với tổng diện tích 11.021ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%. Hiện các KCN đã thu hút 2.965 dự án, gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng. Trong đó, nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, giúp Bình Dương thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Hầu hết các DN lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung. Phát triển công nghiệp đã trở thành động lực để Bình Dương duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn trên 9%. Những năm qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh chóng theo hướng công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; phát triển theo kế hoạch, quy hoạch cụ thể và bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mặc dù vẫn còn không ít những khó khăn nhưng kinh tế của Bình Dương trong những năm qua luôn giữ mức tăng trưởng khá. Đời sống của người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Bình Dương đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu về phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hầu hết vốn đầu tư trong nước lẫn vốn FDI trong thời gian qua đổ vào Bình Dương đều tập trung ở lĩnh vực công nghiệp, điều này cho thấy sức phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành mũi nhọn này. Nhờ đó, ngành công nghiệp của tỉnh có điều kiện phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho đô thị, dịch vụ - thương mại trên địa bàn cùng phát triển. Công nghiệp tiếp tục là ngành phát triển chính của tỉnh, trong giai đoạn tới, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có chọn lọc kỹ để có được những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động, có giá trị gia tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC: Dòng vốn FDI đã trở thành động lực giúp Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại, năng động trong những năm qua. Hầu hết nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm năng về vốn và công nghệ, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... đều đã có mặt tại Bình Dương. Đáng chú ý, kết quả thu hút vốn FDI của tỉnh luôn chiếm vị thế hàng đầu, đóng góp quan trọng vào kết quả chung về thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước. Bình Dương đang ngày càng khẳng định thương hiệu của mình trước các đối tác, nhà đầu tư. Ông Gricha Safarian, Lãnh sự danh dự Bỉ tại TP.Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Puratos: Với bề dày kinh nghiệm “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” đã góp phần tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để đón làn sóng đầu tư của các DN trong và ngoài nước đến với Bình Dương. Bên cạnh những cải tiến, sự linh hoạt trong chào mời các nhà đầu tư, Bình Dương có nhiều lợi thế so với các tỉnh, thành trong khu vực, cũng như cả nước. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, cơ chế chính sách rất thông thoáng, minh bạch đã tạo ra những điểm cộng trong mắt nhà đầu tư. Ông Yasuyuki Nagae, Giám đốc Phòng Quốc tế, Tập đoàn NTT East: Tôi thực sự hài lòng khi lựa chọn Bình Dương đặt nhà máy sản xuất, kinh doanh. Những thành tựu trong thu hút đầu tư thời gian qua là cơ hội để Bình Dương tiếp tục quảng bá hình ảnh nhằm thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn. Hiện nay, với lợi thế hạ tầng KCN hiện đại, cơ bản hoàn chỉnh, Bình Dương đã trở thành điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các DN Nhật Bản ủng hộ định hướng đổi mới thu hút đầu tư và kêu gọi đầu tư vào các ngành công nghệ cao của Bình Dương. |
NGỌC THANH