Thu hút đầu tư nước ngoài: Dấu ấn và sự kỳ vọng

Thứ ba, ngày 12/02/2019

Thu hút đầu tư nước  ngoài (FDI) của Bình Dương trong những năm qua liên tục đạt được nhiều thắng lợi. Năm mới với nhiều thuận lợi mới, Bình Dương được kỳ vọng gia tăng thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng trong năm Kỷ Hợi 2019.

(BDO)

 Ông Trần Thanh Liêm (thứ 2 từ phải qua), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông K.Srikar Reddy (bên trái), Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chi Minh trao đổi cùng đại diện các doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI

 Một năm nhiều dấu ấn

Để thực hiện được các mục tiêu quan trọng trong công cuộc đổi mới, Bình Dương sớm chọn vùng đất phía bắc quốc lộ 1A để phát triển các Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1, Sóng Thần 2. Đây là việc làm thể hiện tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ và gần như ngay lập tức, các KCN nói trên tạo sức bật mạnh mẽ để thu hút vốn FDI phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương.

Không dừng lại ở đó, Bình Dương tiếp tục phát triển KCN Việt Nam - Singapore I tại TX.Thuận An. Đây là KCN kiểu mới, dựa trên nền tảng hợp tác giữa 2 nước Việt Nam và Singapore. Nhờ đó, Bình Dương đã thu hút được hàng tỷ USD vốn FDI, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.

“Với cơ sở hạ tầng tốt, cung cấp điện năng đầy đủ, cùng chính sách thông thoáng để thu hút nguồn nhân lực, việc Bình Dương chú trọng và gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng là bước đi cần thiết, đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, đặc biệt là những nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, đô thị…”.

(Ông Mitsuhiro Mori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh)

Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Kết quả cụ thể cho thấy, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 27/29 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2018. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 9,01%, vượt kế hoạch đề ra; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, đạt 25,280 tỷ USD. Thặng dư thương mại của tỉnh trong năm 2018 gia tăng với mức đạt trên 4,7 tỷ USD. Trong khi đó, trong năm qua, công tác chi ngân sách của tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Trong năm, tỉnh thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đạt kết quả tốt; tổng mức huy động và cho vay tín dụng tăng trưởng ổn định.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2018 tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 1,7 tỷ USD, vượt 20,9% kế hoạch năm. Việc thu hút vốn FDI trong năm qua theo đúng định hướng và quy hoạch của tỉnh; nhiều nhà đầu tư còn mở rộng quy mô, phát triển thị trường. Trong tổng số dự án FDI đầu tư vào tỉnh trong năm 2018 có 135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 649,5 triệu USD, 86 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 420,1 triệu USD, 96 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 269,2 triệu USD.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong năm qua với 114 dự án đầu tư đăng ký mới, 83 lượt dự án điều chỉnh vốn và 65 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần; tổng số vốn đầu tư 1,127 triệu USD, chiếm 84,2% tổng vốn FDI đầu tư đăng ký vào tỉnh trong năm qua. Đứng thứ 2 là lĩnh vực thương mại - dịch vụ, với tổng vốn đăng ký đạt 210,8 triệu USD, chiếm 15,75% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào tỉnh trong năm.

Kỳ vọng mới

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI hiện là nguồn vốn quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện Bình Dương khuyến khích và có lộ trình chuyển đổi dần cơ cấu đất công nghiệp ở các KCN trên địa bàn TX.Thuận An và TX.Dĩ An sang đất thương mại - dịch vụ một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn. Đồng thời, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các KCN tập trung về phía bắc của tỉnh, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài KCN bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp. Đây là một bước tiến mới, tạo điều kiện để Bình Dương tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ cũng như tăng tốc thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Tường Văn (Bắc Tân Uyên). Ảnh: XUÂN THI

Bên cạnh đó, trong thời gian tới Bình Dương tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp gắn với thực hiện chương trình “Đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020”; thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, ít gây ô nhiễm môi trường và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Việc tỉnh quyết tâm xây dựng thành phố thông minh cũng chính là quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lý tưởng, kỳ vọng tạo thành làn sóng đầu tư vào Bình Dương sẽ tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Thời gian qua, Bình Dương đã ban hành Chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm năng kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; thu hút FDI vào ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, cùng với đó, tỉnh tập trung thu hút vào các KCN, cụm công nghiệp được quy hoạch; chú trọng thu hút FDI đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

 Bình Dương tiếp tục "hút" vốn FDI. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất phụ kiện điện tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Ảnh: XUÂN THI

Bình Dương xác định sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, ưu tiên các dự án sản xuất công nghệ cao, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, các dự án có giá trị gia tăng cao, nguy cơ gây ô nhiễm thấp và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc thiết bị; điện tử; công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất ô tô, xe máy. Mặt khác, Bình Dương cũng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; bổ sung, hoàn thiện quy hoạch; đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch. Tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao, làm tiền đề cho phát triển công nghiệp.

 Hiệu quả rõ rệt

Để định hướng đổi mới thu hút đầu tư chủ động, hiệu quả, ngày 3-5-2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1084/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 34-CTr/TU ngày 15-12-2016 của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Quyết định số 1084/QĐ-UBND). Quyết định số 1084/QĐ-UBND với những mục tiêu, yêu cầu cụ thể nhằm tiếp tục đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. Theo đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện nhằm đạt các mục tiêu Chương trình số 34- CTr/TU đã đề r a.

Chương trình số 34-CTr/TU của Tỉnh ủy xác định rõ mục tiêu là nhằm huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế; phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 thu hút trên 7 tỷ USD vốn FDI và 110.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, trong giai đoạn này, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp; xây dựng hệ thống quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh. Tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, dự án nông nghiệp kỹ thuật cao và tập trung thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh với mô hình liên kết “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp)…

Chỉ sau 2 năm thực hiện Chương trình số 34- CTr/TU, Bình Dương đã có những đột phá mạnh mẽ trong công tác thu hút đầu tư. Cụ thể, tỉnh đã thu hút 5,78 tỷ USD vốn FDI, đạt 82,6% kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 đề ra. Quy mô vốn trung bình các dự án FDI đầu tư vào tỉnh trong 2 năm qua đạt 11,7 triệu USD. Tính chung đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn FDI, với 3.509 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 32,2 tỷ USD.

KHÁNH VINH