Thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động nhất và đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng. Bình Dương đã trở thành một trong 5 địa phương có tổng số vốn FDI lớn nhất cả nước.
Thu hút 59 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư
Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích trên 10.000 ha. Việc hình thành các KCN và cụm công nghiệp đã góp phần quan trọng vào kết quả thu hút FDI trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 15-9-2017, toàn tỉnh đã thu hút 1,967 tỷ USD vốn FDI, vượt 40,5% kế hoạch năm 2017. Tính đến nay, toàn tỉnh có 2.997 doanh nghiệp vốn FDI với tổng vốn đăng ký 27,7 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước (sau TP.HCM) về thu hút vốn FDI.
Những năm qua, Bình Dương đã thu hút nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư, tạo đà cho kinh tế phát triển. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Về đối tác đầu tư, đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương. Ngày càng nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ đầu tư vào tỉnh. Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, Đài Loan (Trung Quốc) có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất với 757 dự án, vốn đăng ký 5,731 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn FDI tại tỉnh. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với 246 dự án, tổng vốn đăng ký 5,199 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư vào tỉnh. Hàn Quốc đứng thứ 3 với 619 dự án, tổng số vốn đăng ký 2,694 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư vào tỉnh. Tiếp theo là Singapore với 158 dự án, tổng số vốn đăng ký 2,671 tỷ USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư vào tỉnh.
Số dự án có vốn FDI lớn tại tỉnh có thể kể đến như dự án KCN Việt Nam - Singapore I, II, III với tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ USD, do Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP đầu tư, với mục tiêu đầu tư, xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Dự án kinh doanh bất động sản, dịch vụ nhà hàng Công ty TNHH Becamex Tokyu, vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD. Dự án sản xuất giấy của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper, vốn đầu tư 1 tỷ USD. Dự án sản xuất sản phẩm dệt may của Công ty TNHH Polytex Far Eastern, tổng vốn đầu tư 760 triệu USD…
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Những năm qua, đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và cho ngành công nghiệp của tỉnh nói riêng. Với gần 82% vốn FDI thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giai đoạn 2011-2016 khu vực FDI đóng góp trên 67% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI của tỉnh tăng gấp 2,3 lần so với năm 2011. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài đã thu hút các ngành nghề công nghiệp mới sử dụng công nghệ hiện đại và có tác dụng lan tỏa, tăng cường năng lực của nhiều ngành nghề khác. Trong giai đoạn 2011-2016, một số ngành công nghiệp đạt giá trị cao và có mức tăng trưởng mạnh như sản xuất kim loại, sản xuất đồ trang trí nội thất, hóa chất, dược phẩm…
Với nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất, phát huy hiệu quả đầu tư, những năm qua tốc độ tăng trưởng công nghiệp của khu vực kinh tế có vốn FDI cao hơn mức tăng trưởng công nghiệp chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khu vực kinh tế có vốn FDI là khu vực phát triển năng động, ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng. Đầu tư nước ngoài tác động tích cực đến các cân đối lớn của nền kinh tế như cân đối ngân sách, cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế thông qua việc chuyển vốn vào Việt Nam và mở rộng nguồn thu ngoại tệ gián tiếp qua khách quốc tế, tiền thuê đất, tiền mua máy móc và nguyên, vật liệu. Tại Bình Dương, năm 2005 thu ngân sách từ các doanh nghiệp FDI đạt 1.927 tỷ đồng, đến năm 2016 đã tăng lên 11.177 tỷ đồng.
Năm 2016, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp chiếm 63%, dịch vụ 23,5%, nông nghiệp 4,3%, thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm 9,2%. Trong khi đó, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 786.346 tỷ đồng, tăng 196 lần; kim ngạch xuất khẩu thực hiện đạt gần 24 tỷ 333 triệu USD, tăng 67 lần; thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu đạt 11.177 tỷ đồng, tăng 13,6 lần so với năm 1997. Tăng trưởng GRDP của tỉnh qua các năm bình quân đạt 14,5%. Năm 2016, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 108,6 triệu đồng.
PHƯƠNG LÊ