Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX nhiệm kỳ 2010- 2015 đề ra mục tiêu thu hút 5 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn 5 năm 2011-2015. Qua hơn 4 năm thực hiện, Bình Dương đã về đích trước thời gian so với kế hoạch 5 năm với gần 6,7 tỷ đô la Mỹ vốn FDI đầu tư vào tỉnh.
Sản xuất sản phẩm chăm sóc y tế tại một doanh nghiệp Nhật Bản trong KCN Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An) Ảnh: T.BÌNH
Vượt kế hoạch 34%
Trong quá trình phát triển, Bình Dương luôn xem nguồn vốn FDI là động lực góp phần quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Phát huy thành quả đạt được, Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 đã đặt ra mục tiêu thu hút 5 tỷ đô la Mỹ vốn FDI. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm thực hiện, Bình Dương đã về đích trước thời gian với thu hút gần 6,7 tỷ đô la Mỹ vốn FDI; trong đó năm 2011 thu hút đạt 889 triệu đô la Mỹ, năm 2012 thu hút hơn 2,6 tỷ đô la Mỹ, năm 2013 thu hút 1,32 tỷ đô la Mỹ và năm 2014 thu hút 1,65 tỷ đô la Mỹ, 2 tháng đầu năm 2015 thu hút 180 triệu đô la Mỹ.
Với kết quả này, tính đến nay Bình Dương đã thu hút 2.412 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 20,65 tỷ đô la Mỹ; trong đó có 1.404 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) tập trung với tổng vốn đăng ký gần 12,53 tỷ đô la Mỹ và 1.008 dự án đầu tư ngoài KCN với tổng vốn đăng ký hơn 8,1 tỷ đô la Mỹ. Kết quả thu hút FDI hiệu quả đã đưa Bình Dương trở thành 1 trong 5 địa phương của cả nước thu hút vốn FDI vượt ngưỡng 20 tỷ đô la Mỹ (cùng TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai). So với kế hoạch thu hút 5 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2011-2015, đến nay tỉnh đã thu hút vượt 34%.
Nguồn vốn FDI tại Bình Dương chủ yếu tập trung vào sản xuất công nghiệp nên tác động đến phát triển kinh tế rất lớn, nhất là tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu cao. Chỉ tính riêng trong năm 2014, nguồn FDI tại Bình Dương đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 130.068 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 69,4% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; xuất khẩu đạt gần 14,62 tỷ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng gần 82,4%% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nổi bật, nguồn vốn FDI đầu tư vào sản xuất công nghiệp phụ trợ trong thời gian gần đây tăng mạnh đã góp phần đưa giá trị xuất siêu của Bình Dương đạt cao với hơn 4 tỷ đô la Mỹ trong năm qua.
Giải pháp hiệu quả
Thực tế từ năm 2011 đến nay cho thấy, để đạt kết quả cao trong thu hút FDI là điều không dễ, bởi lẽ tình hình kinh tế, chính trị thế giới giai đoạn này diễn biến phức tạp, khó lường; một số nước châu Âu gặp khó khăn và lạm phát làm ảnh hưởng đến tình hình thu hút đầu tư chung. Tuy nhiên, với nỗ lực thực hiện của chính quyền khi đưa nghị quyết vào thực tiễn, cùng với những giải pháp cụ thể, phù hợp, Bình Dương mới có được kết quả thu hút FDI như hôm nay. Cụ thể, tỉnh đã tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn lực, phương thức để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; quan tâm cải cách hành chính toàn diện trên các lĩnh vực theo cơ chế một cửa hiện đại nhằm giúp nhà đầu tư giao dịch thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, hiệu quả. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đồng thời nâng tầm dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư; đẩy mạnh tiếp thị đầu tư tại một số nước có tiềm năng. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh hết sức trọng thị, gần gũi để chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, qua đó kịp thời nắm bắt thông tin và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp đầu tư thuận lợi và hiệu quả. Từ đó, doanh nghiệp rất yên tâm và chọn lựa đầu tư mạnh vào tỉnh.
Ông Marcus IP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile (hợp tác giữa Tập đoàn Haputex Development Limited của Hồng Kông và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương) cho biết, trong quá trình đầu tư doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền tỉnh. Công ty dự kiến đưa nhà máy sản xuất vải có vốn đầu tư 120 triệu đô la Mỹ vào hoạt động trong năm 2015. “Với sự giúp đỡ đó, chúng tôi rất tin tưởng vào môi trường sản xuất kinh doanh ở Bình Dương. Vì vậy, doanh nghiệp rất yên tâm và đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa dự án vào hoạt động”, ông Marcus IP chia sẻ.
Trong kế hoạch năm 2015, Bình Dương đặt ra mục tiêu thu hút 1 tỷ đô la Mỹ vốn FDI. Định hướng của tỉnh là chú trọng thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, hạn chế tối đa ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu để từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chế biến trên thị trường quốc tế... Kết quả thực hiện kế hoạch thu hút vốn FDI từ đầu năm đến nay cho thấy, vốn đầu tư vào tỉnh tiếp tục đạt kết quả khả quan. Ngoài nguồn vốn đầu tư lớn đã được cấp chứng nhận đầu tư, hiện nay có nhiều doanh nghiệp lớn đang hoàn tất thủ tục cấp phép mới và tăng vốn thêm hàng trăm triệu đô la Mỹ. Điều này hứa hẹn khả năng năm 2015, Bình Dương sẽ về đích trước so với kế hoạch năm; qua đó cũng cho thấy, đến hết năm 2015, thu hút vốn FDI của Bình Dương sẽ vượt rất cao so với Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần IX nhiệm kỳ 2010- 2015 đã đề ra.
T.MINH