Thu mua nông sản: Doanh nghiệp phải đồng hành với nhà nông

Cập nhật: 24-08-2011 | 00:00:00

Trước sự “đổ bộ“ của thương nhân Trung Quốc (TQ) tại các vùng nguyên liệu nông sản, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp (DN) phải biết chia sẻ những khó khăn và lợi ích của mình với nông dân bằng cách đồng hành cùng họ; phải bảo đảm giá cả thu mua ngay từ đầu vụ để bà con yên tâm mở rộng sản xuất, đồng thời hỗ trợ họ về kỹ thuật, con giống, thậm chí vốn liếng... Đây không còn là trách nhiệm mà là xu hướng tất yếu để nông dân và DN cùng có lợi.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia kinh tế cao cấp, kiêm tư vấn chính sách của Viện Nghiên cứu thương mại, không chỉ DN và nông dân thiếu sự gắn kết mà từ trước đến nay, sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng chưa tốt, dẫn đến không quản lý, không thống kê được lượng hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng xuất sang TQ. Lợi ích quốc gia của chúng ta chưa được đặt lên hàng đầu mà mới chỉ quan tâm đến lợi ích của một nhóm nào đó. Hậu quả là nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất sang TQ rơi vào tình trạng không thể quản lý nổi. Cuối cùng thiệt hại vẫn là DN và nông dân. “Để khắc phục, chúng ta phải tổ chức buôn bán nông sản một cách bài bản sang TQ. Xuất khẩu phải đi vào chính ngạch, ký hợp đồng rõ ràng. Phải sớm có chiến lược bài bản để xuất khẩu sang TQ. Cả thế giới hiện sợ thị trường này và cũng đang lợi dụng thị trường này. Do vậy, chúng ta phải làm thế nào để hạn chế được nguy cơ, đồng thời tận dụng sức tiêu thụ của TQ” - ông Thắng nói.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, các DN Việt Nam cần biến thế mạnh từ nông sản trong nước thành những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới để thu lợi nhuận, thay vì cứ mãi cố tìm cách vắt kiệt sức nông dân hay tài sản quốc gia bằng cách xuất khẩu nguyên liệu thô. Làm được điều này, các DN Việt Nam mới chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng và không bị thua ngay trên sân nhà.

Bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông - lâm sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT) cho rằng, tại thời điểm này, DN nước ngoài đang có lợi thế về tài chính nên các DN Việt Nam phải chịu thiệt thòi là đúng. Thế mạnh của DN Việt Nam là có mối quan hệ truyền thống, sự hiểu biết về văn hóa nên phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau để có xử thế phù hợp.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng: “Vấn đề mà nhiều người quan tâm khi giao dịch với TQ hiện nay là họ mua bán rất thất thường; có khi họ đặt hàng nông dân mua số lượng lớn nhưng rồi không quay lại nhận hàng, trả tiền. Theo tôi, các cơ quan quản lý nên tùy tình hình mà đưa ra các hàng rào kỹ thuật. Ví dụ, chúng ta có thể đánh thuế xuất khẩu cao với các mặt hàng mà trong nước đang hạn chế xuất khẩu”.

Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra việc thương nhân TQ luôn trả giá cao vì họ không đóng thuế. Trên thực tế, TQ đã thu mua của Việt Nam bao nhiêu tôm, thịt heo, trứng... không cơ quan nào nắm được, không DN nào biết, Việt Nam đang ở thế bị động trong việc kiểm soát hàng hóa xuất tiểu ngạch sang quốc gia chung đường biên mậu này.

T.S (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên