Thu ngân sách năm 2012: Khó khăn nhân đôi!

Cập nhật: 14-08-2012 | 00:00:00

Sản xuất công nghiệp suy giảm, doanh nghiệp (DN) đối mặt với những khó khăn chồng chất do kinh tế thế giới và trong nước bất ổn với các vấn đề lãi suất, thị trường... đã trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách (NS) của cả nước, cũng như Bình Dương. Thêm vào đó, những chính sách hỗ trợ cho DN càng làm cho việc thu NS năm nay vốn đã khó khăn thêm khó khăn...

Sụt giảm nguồn thu

Trong một báo cáo mới đây từ UBND tỉnh, tính đến nửa năm 2012, tổng thu NS Nhà nước mới chỉ đạt 43% dự toán Bộ Tài chính giao và 41% dự toán của HĐND tỉnh, giảm 4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 7.500 tỷ đồng, đạt 46% dự toán Bộ Tài chính giao và 45% dự toán của HĐND tỉnh; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) 3.500 tỷ đồng, đạt 38,2% dự toán Bộ Tài chính và 38% dự toán của HĐND tỉnh, giảm 12% so với cùng kỳ. Tuy đây mới chỉ là con số ước thực hiện được của nửa đầu năm 2012, nhưng ít nhiều đã sớm bộc lộ khả năng sụt giảm nguồn thu NS Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nền sản xuất suy giảm và DN đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

 Sản xuất suy giảm và chính sách hỗ trợ DN là 2 yếu tố khiến cho việc thu NS gặp nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Kê khai nộp thuế tại Cục Thuế tỉnh)

Bên cạnh đó, việc Quốc hội, Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ DN thông qua giãn, miễn, giảm một số loại thuế như giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN), tiền thuê đất, sử dụng đất... cũng sẽ trực tiếp tác động làm giảm nguồn thu NS trong năm 2012. Theo tính toán từ Cục Thuế tỉnh, riêng nguồn thu nội địa trong năm 2012 dự báo sẽ sụt giảm trên 1.400 tỷ đồng. Cụ thể, thuế TNDN giảm 30% theo tinh thần của Nghị quyết 29/2012/QH13 đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị định 60/2012/NĐ-CP, sẽ rơi vào khoảng 356,63 tỷ đồng; thuế GTGT gia hạn khoảng trên 180 tỷ đồng, gia hạn thuế TNDN niên độ 2011 trên 150 tỷ đồng, tiền thuê đất giảm 50% tương đương trên 5 tỷ đồng, tiền sử dụng đất gia hạn trên 600 tỷ đồng và thuế GTGT hộ khoán, thuế TNCN hộ khoán cũng như bậc 1 khoảng 150 tỷ đồng, theo tinh thần của Nghị quyết 13 của Chính phủ.

Đối với nguồn thu XNK, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Hàn Anh Vũ, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2012, thu XNK qua Hải quan Bình Dương đã giảm sụt khoảng 600 tỷ đồng, tương đương 7% so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù tốc độ tăng trưởng XNK vẫn khá ổn định, thể hiện qua con số tăng 26% nhưng thu NS vẫn thấp vì Bình Dương chủ yếu XNK ở loại hình nhập khẩu, sản xuất gia công rồi xuất khẩu và được hoàn thuế nên cho dù xuất khẩu tăng cũng khó tăng thu được NS. Cũng theo ông Vũ, trong 6 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng lớn bị giảm thu, trong đó có thép Pomina (do không nhập khẩu phôi thép mà sử dụng phôi thép nội địa) giảm 90 triệu USD, số thuế bị giảm 440 tỷ đồng; mặt hàng rượu bia bị kiểm soát chống nhập siêu, không cho nhập khẩu ở Bình Dương; hãng Toshiba do ảnh hưởng lũ lụt không hoạt động; sữa các loại tiêu thụ chậm, xe hơi bị hạn chế nhập... làm giảm nguồn thu nhập khẩu!

Khó khăn nhân đôi!

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ, trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương, tỷ trọng công nghiệp chiếm trên 80%, nên khi sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu NS. Cũng theo ông Trang, trong hoàn cảnh hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách miễn, giãn, giảm một số loại thuế để giúp DN phục hồi, duy trì sản xuất - kinh doanh. Những chính sách này đồng thời tác động trực tiếp vào nguồn thu NS và làm cho khó khăn trong việc thu NS nhân đôi, vừa khó do nền sản xuất suy giảm, vừa khó do phải thực hiện miễn, giãn, giảm thuế. “Hai yếu tố này tạo ra áp lực rất lớn cho việc thực hiện kế hoạch thu NS của năm 2012 đã được HĐND tỉnh và Bộ Tài chính giao cho ngành thuế. Do vậy, khả năng hoàn thành nhiệm vụ là rất khó khăn...”, Cục trưởng Lê Văn Trang cho biết. Đồng quan điểm trên, ông Hàn Anh Vũ cũng nhận định, thu NS bao gồm cả thu nội địa và thu XNK đều khó đạt. Do đó, để có thể bảo đảm kế hoạch thu NS của năm, ngành hải quan sẽ phải “gồng” lên từ nay đến hết năm...

Trên thực tế, thu NS giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến các cân đối vĩ mô. Một khi nguồn thu sụt giảm thì việc thực hiện kế hoạch chi sẽ bị ảnh hưởng, khó cân đối NS theo kế hoạch HĐND đã đề ra. Trước tình hình này, tại hội nghị đánh giá thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ và Nghị quyết 29/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung một mặt nhấn mạnh việc bảo đảm cho tất cả các DN trên địa bàn thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước được giãn, miễn, giảm thuế theo quy định nhằm ổn định sản xuất; nhưng đồng thời cũng yêu cầu ngành thuế và hải quan phải tập trung rà soát lại các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ để củng cố nguồn thu NS Nhà nước theo kế hoạch đã đề ra. Riêng đối với ngành hải quan, cần tạo thêm nguồn thu mới từ việc cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động bằng công nghệ mới, minh bạch thông tin để thu hút thêm DN ngoại tỉnh đăng ký thực hiện thủ tục hải quan tại Hải quan Bình Dương, qua đó tăng thêm nguồn thu cho NS.

Tuy nhiên, biện pháp căn cơ để bảo đảm thu NS ổn định và lành mạnh vẫn là làm sao để nền sản xuất tăng trưởng ổn định thông qua việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, tuy phải giãn, giảm, miễn một số loại thuế làm giảm nguồn thu trước mắt, nhưng về lâu dài, khi DN duy trì, mở rộng và phát triển mạnh mẽ trở lại sẽ góp phần ổn định nguồn thu NS.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=292
Quay lên trên