Thu nhập bình quân của người lao động tăng 7,4% - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết sáng 30/7 tại họp báo thông tin kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2024.
Xưởng may gia công hàng xuất khẩu qua thị trường Mỹ, Công ty TNHH May mặc Dony, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước, ông Nguyễn Bá Hoan cho biết thêm, nửa đầu năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng được đẩy mạnh. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tính đến hết tháng 6/2024 đạt khoảng 18,3 triệu người, chiếm 39,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,16 triệu người so với cùng kỳ. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 6 tháng, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 466.000 người, giảm 10,1% so với cùng kỳ.
Cũng trong nửa đầu năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về cải cách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, cơ quan này đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.
"Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng, tăng 35,7%", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết 14 điểm mới trọng tâm trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, gồm 11 chương, 141 điều (tăng 2 chương và 16 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành). Một trong 14 điểm mới trọng tâm đáng chú ý là khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội mới đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Người lao động đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội mà có đề nghị thì hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; Ra nước ngoài để định cư; Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Như vậy, đối với người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025 trở đi thì sẽ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp nêu trên. Ngoài ra, người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn.
"Mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi là để đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách theo Nghị quyết số 28 của Trung ương; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội", ông Nguyễn Duy Cường cho biết…
Theo TTXVN