Lần đầu tiên ghé thăm nhà màng trồng dưa lưới của Tổ hợp tác (THT) Trồng dưa lưới Hùng Hoa (thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo), chúng tôi thật sự ấn tượng bởi mô hình được đầu tư bài bản từ khâu bố trí khu sản xuất đến trang thiết bị chuyên dụng. Với thị trường tiêu thụ ổn định và tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng dưa lưới luôn đem về nguồn thu ổn định cho các thành viên trong THT.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của THT Hùng Hoa luôn đạt sản lượng và đầu ra ổn định
Theo bước chân của chị Hoàng Thị Hoa, tổ trưởng THT, chúng tôi đến tham quan khu đất trồng dưa lưới của THT tại khu phố 6, một khu đất rộng rãi với các nhà màng lớn nằm sát nhau tạo nên một khu sản xuất dưa lưới tập trung. Khi bước vào bên trong nhà màng, chúng tôi thật sự bị thu hút bởi những cây dưa lưới được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Mỗi một cây dưa lưới được trồng trong một cái chậu được thiết kế những sợi dây để cây leo lên tạo nên sự gọn gàng, ngăn nắp, trái dưa tròn trịa, đẹp mắt đang chuẩn bị đến thời điểm thu hoạch.
Nhận thấy đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Phú Giáo thích hợp với loại cây này, năm 2020 gia đình chị Hoa quyết định trồng dưa lưới trên diện tích đất 3.000m2. Nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn cũng mạnh dạn phát triển mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng và bước đầu mang lại kinh tế ổn định. Năm 2021, THT Trồng dưa lưới Hùng Hoa được thành lập, ban đầu có 6 thành viên, đến nay đã phát triển lên 12 thành viên với tổng diện tích trồng hơn 2 ha. Sản phẩm dưa lưới của THT được huyện công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Bên trong nhà màng nhiệt độ luôn nóng hơn bên ngoài, mặc cho những giọt mồ hôi đổ dài trên khuôn mặt, chị Hoa nhẹ nhàng nâng niu kiểm tra từng trái dưa đã được 60 ngày tuổi. Chị tâm sự: “Chăm sóc dưa cũng giống như chăm sóc đứa con của mình vậy, phải kiểm tra thường xuyên độ ẩm của chậu, bắt bệnh cho cây, sự phát triển của trái. Trồng dưa lưới phải ứng dụng công nghệ cao mới bảo đảm mùa vụ bội thu. Nhờ cách trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ hiện đại, thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt, sản xuất đúng theo quy trình VietGAP nên luôn cho sản lượng tốt, đạt chất lượng. Trung bình 1 vụ toàn THT thu hoạch 60 tấn, riêng gia đình tôi 1 vụ đạt 8-9 tấn”.
Theo chị Hoa, hệ thống nhà màng có ưu điểm là giúp chắn mưa nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, các thành viên sử dụng phân bón hữu cơ nên sản phẩm an toàn. Hiện nay, nhờ liên kết tiêu thụ với Công ty Unifarm, cộng thêm mối thương lái ổn định, đầu ra sản phẩm khá bảo đảm.
Là thành viên của THT, chị Nguyễn Thị Huyền trồng dưa lưới trong nhà màng trên diện tích hơn 3.000m2. Theo chị Huyền, tham gia THT giúp thành viên yên tâm sản xuất, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Thị trường tiêu thụ ổn định, việc các thành viên nhỏ lẻ liên kết với nhau thành mô hình tập thể sẽ đáp ứng được nhu cầu về số lượng cho đơn vị thu mua. Các thành viên luôn tuân thủ quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn, tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Từ đó, giúp cho thu nhập của các thành viên luôn bảo đảm.
Ông Huỳnh Huy Long, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Vĩnh, cho biết việc phát triển mô hình trồng dưa lưới phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp đô thị của địa phương. Hiện nay, tình hình phát triển kinh tế trong nước có nhiều biến động khiến giá cả và đầu ra của nông sản bấp bênh. THT trồng dưa lưới luôn bảo đảm đầu ra ổn định, giúp các thành viên bảo đảm thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Sự mạnh dạn, nỗ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất là hướng đi đúng đắn tiến tới sản xuất bền vững, tăng cao giá trị sản phẩm.
TUỆ NHI