Sau gần 15 năm (từ năm 1997) triển khai chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), đến nay BV Phụ sản Từ Dũ TP.HCM đi đầu trong cả nước về phương pháp này và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có uy tín bậc nhất tại khu vựcĐông Nam Á về TTTON.
Cứu tinh của những đôi vợ chồng hiếm muộn
Ôm 2 đứa con nhỏ song sinh vừa mới ra đời được hơn 1 tháng, vợ chồng anh Lê Trọng Tình (ngụ Tân An, Long An) kể: “Cứ tưởng là không sinh được nữa, ai ngờ có thêm tới 2 công chúa chào đời một lúc”. Cưới nhau từ năm 2002 nhưng sau 2 năm không kế hoạch mà chưa có con, vợ chồng anh Tình không khỏi lo lắng. Anh là một sĩ quan quân đội, còn chị là giáo viên và không có ai bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học hay làm việc trong môi trường độc hại.
Những đứa trẻ ra đời từ TTTON khỏe mạnh đang nô đùa.
“Nỗ lực bằng mọi cách nhưng vẫn là con số không tròn trịa. Vợ chồng không tránh được những lúc nghi ngờ lẫn nhau, dẫn đến xung đột và có nguy cơ tan vỡ”, anh Tình tâm sự. Sau đó, vợ chồng anh Tình nhờ đến kỹ thuật hỗ trợ bằng bơm tinh trùng. Tưởng rằng niềm hạnh phúc mong chờ sẽ đến khi được 2 tuần thì người vợ có thai. Tuy nhiên, được hơn 1 tháng thì thai hư.
Nỗi buồn gặm nhấm nhưng là người có học, vợ chồng anh Tình mua sách báo, lên internet tìm hiểu về điều trị vô sinh, hiếm muộn. Được biết BV Từ Dũ TP.HCM thực hiện TTTON, vợ chồng lên TP.HCM đăng ký tham gia. Nhưng mãi đến 2007, vợ chồng anh Tình mới bắt đầu được lấy trứng, cấy phôi.
“Các bác sĩ lấy 10 phôi nhưng chỉ cấy 5 phôi thôi, còn giữ lại 5 phôi trữ lạnh để nếu không thành công thì cấy tiếp hoặc muốn sinh thêm”, anh Tình cho biết. Kết quả là cuối năm 2007, vợ anh Tình sinh được bé trai nặng 2,8kg, khỏe mạnh bình thường và nay đã học lớp lá trường mầm non.
Đến tháng 7-2010, mong muốn có thêm một đứa con nữa, vợ chồng anh Tình nhờ BV Từ Dũ rã đông 5 phôi còn lại để cấy và cũng thật hạnh phúc khi ngày 24-3 vừa qua hạ sinh thêm 2 cô con gái nhỏ đúng ngày đúng tháng, nặng 2,6kg và 2,7kg, bình thường và khỏe mạnh…
Cũng không tả xiết niềm hạnh phúc, vợ chồng chị N.N.H.Dung (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) ôm đứa con trai vào lòng, hớn hở: “Cục cưng của vợ chồng tôi đây. Cháu khỏe mạnh và thông minh lắm”.
Chị Dung kết hôn lúc 32 tuổi và chồng chị 39 tuổi, độ tuổi khá cao cho sinh nở. Sau 5 năm không sinh được con mặc dù cả 2 đều khỏe mạnh, vợ chồng chị Dung phải nhờ đến TTTON. Năm 2004, vợ chồng chị Dung đón đứa con đầu lòng từ TTTON và nay cháu đã học lớp 3, năm nào cũng đạt học sinh giỏi.
Không chỉ vợ chồng anh Tình, chị Dung mà nay đã có hàng ngàn gia đình hạnh phúc ngập tràn nhờ có con từ TTTON. Kể từ ngày 30-4-1998, khi 3 đứa trẻ đầu tiên ở Việt Nam ra đời từ TTTON tại BV Từ Dũ, đến 15-4-2011 đã có 4.067 trẻ được sinh ra tại bệnh viện này.
Qua gần 15 năm triển khai chương trình TTTON, hiện cả nước đã có 13 trung tâm hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp TTTON với 9.000 em bé ra đời, mang lại hạnh phúc vô cùng to lớn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn với chi phí hợp lý, phù hợp điều kiện kinh tế của nhiều gia đình.
Điều đáng nói, theo nghiên cứu của BV Từ Dũ, các bé sinh ra từ kỹ thuật TTTON và những kỹ thuật tương đương đều phát triển bình thường về thể chất, tâm lý và vận động. Không có khác biệt về sự phát triển giữa các trẻ sinh ra từ những kỹ thuật TTTON với sinh đẻ tự nhiên.
Tỷ lệ thành công ngày càng cao
Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, thông qua hệ thống thông tin và các chương trình tư vấn về điều trị vô sinh, số lượng cặp vợ chồng hiếm muộn đến khám tại Khoa Hiếm muộn ngày càng tăng.
“Hàng ngày chúng tôi tiếp nhận trung bình 200 lượt bệnh nhân đến khám và tư vấn về hiếm muộn. Ngày đông nhất đạt tới 300 lượt. Trong khi cách đây 10 năm, con số trên chưa tới hàng chục” - BS Tuyết nói.
Hiện nay, tại BV Từ Dũ, số chu kỳ bơm tinh trùng vào buồng tử cung và TTTON ngày càng gia tăng. Với kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung, bình quân mỗi tháng Khoa Hiếm muộn thực hiện 150 - 250 ca với tỷ lệ có thai 18-20%. Và số chu kỳ TTTON đạt 100 - 150 ca/tháng, tỷ lệ thai lâm sàng đạt 35-40%.
Theo BS Tuyết, thống kê của Bộ Y tế cho thấy vẫn còn 7-10% dân số cả nước ở độ tuổi sinh sản bị vô sinh-hiếm muộn, trong đó khoảng 50% thuộc về nữ giới. Lý giải về tình hình trên, BS Tuyết cho rằng đời sống sinh hoạt, công việc và môi trường đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản.
Bên cạnh các nguyên nhân vô sinh do bệnh lý (u xơ tử cung, dị dạng tử cung - âm đạo, buồng trứng đa nang…), vấn đề nạo phá thai không an toàn, viêm nhiễm sinh dục, viêm vùng chậu cũng góp phần tăng tỷ lệ hiếm muộn ở nữ giới.
Đối với nam giới, tình trạng vô sinh có thể do bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, rối loạn quá trình sinh trưởng của tinh trùng. “Rối loạn cương dương, nhiễm khuẩn sinh dục, đặc biệt giảm ham muốn do lao động căng thẳng cũng gây nên tình trạng vô sinh” - BS Tuyết nói.
Để tăng tỷ lệ thành công TTTON, từ các năm qua BV Từ Dũ TP.HCM đã không ngừng đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật tiên tiến. Từ thành công ban đầu của kỹ thuật TTTON cổ điển (IVF - Invitro Fertilization) vào năm 1998, BV đã triển khai áp dụng tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) giải quyết những trường hợp thụ tinh bất thường, giúp nâng cao tỷ lệ thụ tinh và đã cho ra đời em bé đầu tiên bằng kỹ thuật này năm 1999.
Tiếp đó là triển khai kỹ thuật tiên tiến trữ lạnh phôi - chuyển phôi trữ giúp bảo quản những phôi dư hoặc trong trường hợp không thể chuyển phôi ngay ngày chọc hút trứng. Em bé đầu tiên ra đời năm 2003 bằng kỹ thuật này. Kế đến là lập ngân hàng tinh trùng giúp những trường hợp chồng không có tinh trùng do suy tinh hoàn, nhiễm HIV được nhận mẫu tinh trùng từ ngân hàng để điều trị; hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser…
Sắp tới, BV triển khai thêm kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) giúp xác định phôi bình thường hay bất thường khi cấy vào buồng tử cung, một kỹ thuật hiện đại nhất là thế giới đang hướng tới. Trước những thành tựu đạt được, các chuyên gia TTTON của Úc, Pháp, Mỹ đánh giá TTTON ở nước ta, điển hình là BV Từ Dũ, đã đạt được bước tiến dài, ngang tầm các nước khu vực và thế giới.
Do vậy, BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu BV Từ Dũ tăng cường chuyển giao công nghệ cho các trung tâm khác, xây dựng mạng lưới điều trị hiếm muộn trên toàn quốc, đưa dịch vụ khám và điều trị hiếm muộn đến gần với người dân hơn.
Theo SGGP