Thụ tinh trong ống nghiệm: Nụ cười và nước mắt những người hiếm muộn

Cập nhật: 12-01-2010 | 00:00:00

Lấy chồng, sinh con, tưởng chừng như là quy luật tự nhiên của tất cả các chị em phụ nữ, nhưng niềm khao khát có được đứa con, hạnh phúc hơn khi được làm cha làm mẹ, đó là một hành trình đầy khó khăn, đầy thấp thỏm và đầy nước mắt. Họ làm tất cả cũng vì muốn có được đứa con, nhưng cuối hành trình này có những niềm vui và có cả những nỗi buồn bởi không phải ai cũng có được kết quả như mong muốn.

Bệnh nhân đang được hướng dẫn cách điều trị hiếm muộn

Khao khát được làm mẹ

Vợ chồng chị N.K.D.A ở TX.TDM, anh chị lấy nhau gần 3 năm rồi nhưng vẫn chưa có con. Chị tâm sự: “Vợ chồng tôi rất buồn, cũng muốn có một đứa con cho vui nhà vui cửa, ông bà nội ngoại hai bên cứ trông chờ và thúc giục mau sinh cháu để ông bà ẵm bồng. Nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa có tin vui. Vợ chồng tôi cũng đã đi khám để điều trị nhiều lần, bác sĩ cho biết sức khỏe chúng tôi vẫn bình thường, nhưng cũng không hiểu sao chúng tôi lại chậm con như thế nữa”.

Hoàn cảnh chị N.T.T lại khác. Chị đã một lần mang thai nhưng bị sảy, 5 năm mà chị chưa có con lại. Bác sĩ cho biết chị bị lạnh tử cung, lui tới bệnh viện hơn 2 năm trời, tốn biết bao nhiêu tiền của mà vẫn không kết quả. Hàng xóm lời ra tiếng vào, còn mẹ chồng cứ đưa người yêu cũ của anh về chơi, rồi nói bóng gió rằng nếu ngày xưa ông bà quyết ngăn cản thì giờ đã có cháu ẵm bồng rồi. “Trời ơi, chỉ cần được làm mẹ, tôi chết cũng cam lòng mà” - chị ôm mặt khóc. Nhìn chồng nâng niu mấy đứa cháu, chị càng thấy mình có lỗi nên đề nghị ly hôn nhưng anh không đồng ý. Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định bán hết đồ đạc trong nhà, mượn thêm tiền ba mẹ chồng đi thụ tinh ống nghiệm. 60 triệu đồng vụt bay mà chẳng thấy con đâu.

Cưới nhau từ năm 2001, đến năm thứ hai rồi mà chưa thấy động tĩnh gì, chị T.T.N.V (Phú Giáo) kể lại trong nghẹn ngào: “Em khổ lắm chị ơi, em cũng muốn sinh được đứa con, thiên chức người mẹ mà ai không muốn, ban đầu gia đình chồng cứ nghĩ em không sinh được là lỗi tại em, hay nói nặng nhẹ này nọ, em buồn lắm. Nhưng khi em đi bác sĩ khám trả lời là sức khỏe tốt, nên đưa chồng đi khám”. Chị về nói lại với chồng, khuyên anh nên đi xét nghiệm thử một lần xem sao. Nhưng anh không chịu đi, cứ chần chừ mãi, chị phải thuyết phục lắm rồi anh mới chịu đi khám. “Kết quả cho biết là tinh trùng của anh quá ít và yếu nên việc thụ tinh mang thai khó lòng mà đậu được”, chị V. cho biết.

Muốn có con, anh chị phải đi xin tinh trùng của người khác, bơm vào buồng tử cung của chị. Ban đầu, gia đình anh kiên quyết không chịu, vì làm như thế thì không phải là con của anh. Nỗi khát khao một lần làm mẹ trong chị lại trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chị khóc lóc van xin anh: “Hãy vì con, vì em, anh đi khám một lần!”, cuối cùng anh cũng chấp nhận lén gia đình đi đăng ký xin tinh trùng trong ngân hàng tinh trùng. Liên tục 5 năm liền như thế mà vẫn không có kết quả. Mỗi lần nghĩ đến cảnh vợ tiêm thuốc về mệt nhoài, nằm vật vã, không ăn uống là anh như đứt từng khúc ruột. Tiền hết, sức lực cũng không còn, niềm tin đã cạn kiệt, anh chị đành bỏ cuộc.

Chờ ngày “đơm hoa kết trái”

Sau khi sảy thai lần đầu, vợ chồng anh chị L.T.T.N (Thuận An) đi chữa trị nhiều nơi, từ Đông y tới Tây y, các bệnh viện lớn nhỏ đều đến, hễ nghe tin nơi nào điều trị hiếm muộn có kết quả cao là anh chị đều viếng thăm. Qua nhiều năm điều trị rồi kết quả cũng đã mỉm cười với anh chị, chị đã mang thai lại. “Anh chị rất vui mừng khôn xiết, chúng tôi mong được làm cha làm mẹ một lần, nếu có bán hết tài sản chúng tôi cũng cam lòng”, chị N. bộc bạch.

Ngỡ đơn giản, niềm hạnh phúc ấy lại là cả khát khao cháy bỏng với nhiều người. Do tinh trùng ít và rất yếu nên 4 năm rồi mà hai vợ chồng anh Vạn vẫn chưa có con. Đồng lương nhân viên tài xế của anh và công nhân may của chị sau khi trừ chi phí sinh hoạt, ky cóp mãi cũng được hơn 30 triệu đồng. Hai anh chị đánh liều vay thêm 20 triệu đồng nữa để làm thụ tinh ống nghiệm. Chịu bao đau đớn khi tiêm thuốc, chọc hút trứng nhưng tất cả không là gì so với khát khao làm mẹ.

Ngày chị đậu thai, hai vợ chồng mừng khôn xiết đến rơi nước mắt. Chị cẩn thận trong từng bước đi, còn anh cứ áp sát tai vào bụng vợ chờ đợi lắng nghe đứa con yêu quẫy cựa. Ánh mắt họ rạng ngời hạnh phúc khi đi ngang qua gian hàng bán đồ dùng em bé. Họ tính toán, sắp xếp góc tốt nhất trong căn nhà nhỏ để dành cho đứa con yêu. Hai cái tên một trai, một gái đã dành sẵn để đặt cho thiên thần bé bỏng. Niềm vui và hạnh phúc đến với họ quá nhanh như bọt xà phòng tan biến trong chốc lát. Để rồi... một chiều đi làm về, anh thấy chị ngồi ôm mặt khóc. Cái thai không giữ được nữa. Chị khóc đến nỗi ngất đi. Còn anh buồn đến ngẩn ngơ mà vẫn phải cố gượng dậy để chăm sóc vợ. Hộp sữa cho thai phụ và cái đầm bầu anh mua định tặng vợ giờ nằm đó như một vết dao cứa vào lòng người đàn ông ở tuổi 40. Đêm đêm lắng nghe tiếng khóc trẻ thơ, rồi tiếng hát ru từ những nhà bên cạnh, anh chị chỉ còn biết lặng nhìn nhau, nén tiếng thở dài. Nỗi đau còn đó, tiền nợ chất chồng, đồng lương công nhân còi cọc, vật giá leo thang trong khi chị đã gần 40 tuổi, cái ước mơ được tiếp tục hành trình tìm con với anh chị sao quá đỗi xa xôi.

Trường hợp của chị T.T.T.T còn đau đớn hơn, chị có thai lần đầu mà chị không biết, chị cứ nghĩ là mình bị bệnh cảm, nên đi mua thuốc uống. Kết quả là cái thai bị hư. Một năm sau, tin vui cũng đã đến với chị. Lần này chị cẩn thận hơn để gìn giữ đứa trẻ sắp chào đời.

Hiểu được nỗi đau và khao khát được làm mẹ, đau khổ nhất vẫn là những người vô sinh. Chị Hồng (Bến Cát) nói với vẻ mặt buồn bã: “Ban đầu, chồng tôi nói sinh con nào cũng được vì đây là con đầu. Gia đình chồng tôi là người Bắc nên rất thích con trai. Nếu sinh con gái thì không cần điện thoại về quê báo tin. Trời, nếu tôi mà nặn ra được thì tôi cũng sẽ làm mọi người vui lòng”.

Vì nhiều nguyên nhân, trong cuộc sống vẫn có những người hiếm muộn. Họ khát khao được làm mẹ một lần, dù có chết họ vẫn cam lòng. Họ đau buồn, chán nản dường nào, thậm chí có những gia đình phải ly hôn vì không có con. Họ mòn mỏi mong có được đứa con. Và đã có người có được niềm vui khi niềm mong ước của mình đã trở thành hiện thực khi thực hiện thụ tinh thành công.

Từ đầu tháng 2-2009, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Bán công Bình Dương điều trị vô sinh và hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ở Bình Dương, đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện phương pháp này.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Dung, Trưởng khoa Hiếm muộn và vô sinh - Bệnh viện Phụ sản - Nhi Bán công Bình Dương cho biết: “Trường hợp như bị tắc vòi trứng hoặc bơm tinh trùng nhiều lần mà không thành công hay tinh trùng quá yếu thì áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Chi phí cho một ca thực hiện phương pháp này khoảng từ 30 - 50 triệu đồng. Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hiện là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị hiếm muộn hiện nay với tỷ lệ thành công tương đối cao là 44,5%”. 

Thoại Phương     

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=389
Quay lên trên