Thủ tục kết hôn với người nước ngoài

Cập nhật: 06-07-2013 | 00:00:00
Bộ Tư pháp vừa có Quyết định số 1519/QĐ-BTP, về lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Trình tự thực hiện tại chính quyền địa phương: Một trong hai bên kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp (STP) có thẩm quyền. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì viết phiếu tiếp nhận hồ sơ, ghi rõ ngày phỏng vấn và ngày trả kết quả. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hai bên nam, nữ bổ sung, hoàn thiện. Văn bản hướng dẫn phải ghi đầy đủ, rõ ràng loại giấy tờ cần bổ sung, hoàn thiện; cán bộ tiếp nhận hồ sơ ký, ghi rõ họ tên và giao cho người nộp hồ sơ. Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí. Trường hợp người có yêu cầu nộp hồ sơ không đúng cơ quan có thẩm quyền theo quy định, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn người đó đến cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, STP có trách nhiệm: + Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở STP đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn và mức độ hiểu biết nhau của hai bên nam, nữ. Trường hợp cần phiên dịch để thực hiện phỏng vấn thì STP chỉ định người phiên dịch. Kết quả phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn; người phiên dịch (nếu có) phải cam kết dịch chính xác nội dung phỏng vấn và ký tên vào văn bản phỏng vấn. Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên kết hôn không hiểu biết về hoàn cảnh của nhau thì STP hẹn ngày phỏng vấn lại; việc phỏng vấn lại được thực hiện sau 30 ngày, kể từ ngày đã phỏng vấn trước. + Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn; trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của hai bên nam, nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, STP thực hiện xác minh làm rõ. Trường hợp xét thấy vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan công an, STP có công văn nêu rõ vấn đề cần xác minh, kèm theo bản sao 1 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn (bản sao không cần chứng thực) gửi cơ quan công an cùng cấp đề nghị xác minh. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của STP, cơ quan công an thực hiện xác minh vấn đề được yêu cầu và trả lời bằng văn bản cho STP. + Sau khi thực hiện phỏng vấn hai bên nam, nữ, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ kết hôn, ý kiến của cơ quan công an (nếu có), STP báo cáo kết quả và đề xuất giải quyết việc đăng ký kết hôn trình UBND cấp tỉnh quyết định, kèm theo 1 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của STP cùng hồ sơ đăng ký kết hôn, nếu xét thấy hai bên nam, nữ đáp ứng đủ điều kiện kết hôn, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn quy định tại Điều 12 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn và trả lại hồ sơ cho STP để tổ chức lễ đăng ký kết hôn. Trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, UBND cấp tỉnh có văn bản nêu rõ lý do gửi STP để thông báo cho hai bên nam, nữ.NGUYỆT MINH
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=244
Quay lên trên