Thủ tướng: Cân bằng giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng

Cập nhật: 28-12-2022 | 14:39:38

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023.

Ngày 28-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội với các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức tài chính và cơ quan, đơn vị liên quan.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2022, ngành Ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động cộng hưởng bởi những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước.

Ở trong nước, sau đại dịch COVID-19, sản xuất kinh doanh phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn; thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đều khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm đã tạo áp lực rất lớn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ.

Do đó, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là điều hành chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống, một số chỉ tiêu như tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP đã, đang ở ngưỡng cảnh báo; ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Hoa Kỳ…; ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống khi chịu tác động bởi sự cố Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn và niềm tin thị trường suy giảm.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, với sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự phối chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị trong hệ thống từ Ngân hàng Trung ương đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cùng các tổ chức tín dụng, năm 2022, ngành ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,2%); tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (khoảng 8%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định.

Trong kỳ báo cáo tháng 11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Kết quả năm 2022 cho thấy sự ứng phó linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ, giải pháp đã có thể hóa giải các bài toán khó nêu trên.

Bên cạnh việc điều hành chính sách tín dụng để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống, một loạt các nhiệm vụ, giải pháp được Ngân hàng Nhà nước triển khai toàn diện như: hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, hiện đang trong quá trình triển khai; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số; công tác đối ngoại, truyền thông, phân tích dự báo, phát hành kho quỹ… cùng nhiều mặt hoạt động khác tiếp tục được triển khai tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của toàn ngành trong năm qua.

Đại diện các bộ, ngành, tổ chức tín dụng phát biểu thảo luận, phân tích, đánh giá mặt được, mặt hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 và kiến nghị để đề xuất các giải pháp trong năm 2023.

Các đại biểu tập trung trao đổi về những vấn đề trọng tâm như: điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để đảm bảo hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng...

Tại Hội nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát động phong trào thi đua năm 2023 có chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm” với 10 nội dung thi đua cụ thể, toàn diện trên tất cả các mặt công tác.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết năm 2022 là một năm đầy khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chủ động, tích cực, đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, với phương châm hành động “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển,” Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, bài bản, khoa học, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Nhờ đó, năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội nước ta có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô ổn định; kiểm soát được lạm phát dưới 4%; tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8%; các cân đối lớn được đảm bảo; an ninh, quốc phòng được giữ vững; đối ngoại được tăng cường, hiệu quả; các lĩnh vực văn hóa-xã hội khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Đây là thành tích rất đáng tự hào trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, lạm phát tăng cao.

Trong những thành tựu và kết quả đạt được kể trên của cả nước có sự đóng góp tích cực và quan trọng của Ngân hàng Nhà nước.

“Trải qua năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức cho chúng ta thêm kinh nghiệm, trải nghiệm để trưởng hành hơn; rút ra được các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, thích ứng và thoát khỏi khó khăn; trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng bình tĩnh, sáng suốt, không hốt hoảng, lo sợ, cũng không chủ quan; bài học về sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ban, ngành, cơ quan. Chúng ta biết lắng nghe, chia sẻ, thông cảm với nhau, coi cuộc sống, công việc của người khác như công việc của mình,” Thủ tướng chỉ rõ.

Theo Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, ngân hàng phát triển được phải nhờ người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp phát triển có sự hỗ trợ của ngân hàng.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 nội dung nổi bật của Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng trong năm 2022.

Theo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa, các chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

Ngành ngân hàng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ và ngân hàng bảo đảm tiến độ, chất lượng; tiếp tục đi đầu trong chuyển đổi số; năng lực tài chính, quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng ngày càng được tăng cường, tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo được chú trọng xử lý.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam tại các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế.

“Ngân hàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bối cảnh chúng ta xử lý sai phạm trong một số lĩnh vực để các thị trường hoạt động đảm bảo công khai, minh bạch, phát triển lành mạnh, bền vững; đồng thời có một số khó khăn về thanh khoản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong năm 2022; đồng thời thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục trong hoạt động ngân hàng, nhất là về phản ứng chính sách và ứng xử trước những khó khăn, thách thức.

Về triển khai nhiệm vụ trong năm mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2023 là năm thứ 3 Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra cho cả giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030.

Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng trong năm 2023 và các năm tiếp theo cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chủ động đổi mới, sáng tạo để khắc phục những hạn chế, yếu kém; nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao.

“Nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong năm 2023 và những năm tiếp theo là đảm bảo an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; đảm bảo công khai minh bạch, phát triển an toàn, lành mạnh; đảm bảo quyền và lợi ích, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan; đảm bảo thông suốt trong thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong bất cứ hoàn cảnh nào,” Thủ tướng chỉ đạo.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch và an toàn hệ thống; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn; tập trung hỗ trợ phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01 sẽ được Chính phủ ban hành.

Ngành ngân hàng tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tăng cường năng lực phân tích, dự báo, tham mưu kịp thời, ứng phó linh hoạt với diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tiếp tục hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ ngân hàng để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, khắc phục các sơ hở, hạn chế bất cập ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; kịp thời phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, bất cập để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng các lĩnh vực rủi ro, đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng, giảm nạn tín dụng đen và tội phạm về tín dụng; triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng cũng đề nghị, ngành ngân hàng phải tiếp tục nỗ lực giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, góp phần củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài trong hoạt động ngân hàng.

“Không có gì khó đến mức không thể làm, vấn đề là ta có quyết tâm làm hay không; đã nói thì phải làm, đã hứa phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả,” Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2023 và thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang; tin tưởng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=298
Quay lên trên