Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 19/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022.
Dự phiên họp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng; Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với 11 dự án, đề nghị xây dựng luật. Đây là những dự án nằm trong 20 dự án, đề nghị xây dựng luật cần được Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội trước ngày 01/3/2022 nhằm điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Các dự án, đề nghị xây dựng luật được thảo luận tại phiên họp lần này gồm: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông; Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số; Đề nghị xây dựng Luật về phòng thủ dân sự...
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược.
Ngay sau kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tập trung vào các vấn đề mới phát sinh chưa có quy định, cũng như những vấn đề đã có quy định, song vượt qua thực tiễn, những vướng mắc phát sinh cần bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra.
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế thực hiện trên tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng thể chế của bộ, ngành mình; việc xây dựng thể chế phải đảm bảo kịp thời, thường xuyên; các bộ, ngành tổ chức các hội thảo, bàn luận kỹ, tranh thủ ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học... để các văn bản pháp luật đảm bảo chất lượng.
Cùng với thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện thể chế, cần tổ chức thực hiện các quy định của thể chế hiệu quả.
Theo TTXVN