Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần điều chỉnh chính sách phòng dịch phù hợp tình hình mới

Cập nhật: 06-11-2022 | 15:24:27

Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình, yếu tố nguy cơ để chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó và triển khai với mọi tình huống có thể xảy ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 6/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có thành viên Ban Chỉ đạo gồm các Phó Thủ tướng: Chính phủ Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Các điểm cầu địa phương có thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trên thế giới, đến ngày 30/10 đã ghi nhận hơn 635,3 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,59 triệu trường hợp tử vong. Trong 7 ngày vừa qua, có 16 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận số ca tử vong cao, từ 100 ca trở lên; cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Ở Việt Nam, đến nay đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%). Tháng 10/2022, cả nước ghi nhận 24.283 ca mắc mới, giảm 64,8% so với tháng trước; 15 ca tử vong, giảm 16 ca. Đáng chú ý, trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, mới nhất là biến thể phụ BA.2.75.

Đối với công tác tiêm vaccine, tính đến hết ngày 2/11/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 262 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 78,9% và 83,2%; tỷ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 63,8%; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 88,9% và 62,1%.

Trong tháng 10/2022, cả nước tiêm được 1,9 triệu liều vaccine, trung bình mỗi ngày tiêm được 60.000 liều, giảm so với trung bình tháng 9/2022 (100.000 liều/ngày), tháng 8/2022 (350.000 liều/ngày) và tháng 7/2022 (430.000 liều/ngày).

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, đến nay công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đúng hướng, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nêu một số khó khăn, hạn chế như: Một số nơi chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch chưa đồng đều, chưa nhất quán; chưa có sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng với ngành y tế, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhịp nhàng, đồng bộ...

Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát và đang trở lại trạng thái bình thường mới. Số người mắc COVID-19 thời gian qua không nhiều, trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng. Còn có một bộ phận người dân vẫn chưa ủng hộ, đồng thuận tiêm chủng do lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm, chất lượng và hiệu quả của vaccine.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp lần thứ 18 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các đại biểu nhận định tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, SARS-CoV-2 liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; đồng thời kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế...

Phát biểu kết luận phiên họp, bên cạnh khẳng định kết quả phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19; vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, tiêm vaccine vẫn là giải pháp có tính chiến lược; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó ở tầm quốc gia.

Theo Thủ tướng, quan điểm chỉ đạo là tiếp tục đặt tính mạng của người dân lên trên hết trước hết; thực hiện hiệu quả phương châm “thích ứng linh hoạt," kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại; thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình, yếu tố nguy cơ để chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;" tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời đề xuất điều chỉnh và có cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vaccine theo các mục tiêu đã đề ra; có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vaccine đáp ứng yêu cầu của các địa phương; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia.

“Không có vaccine thì dễ mắc COVID-19, dễ chuyển nặng và nguy cơ tử vong rất cao. Do đó vaccine vẫn là vũ khí chiến lược trong phòng, chống dịch; mọi người dân đều phải được tiêm vaccine đầy đủ, an toàn, khoa học, hiệu quả," Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận Phiên họp lần thứ 18 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh tập trung chỉ đạo việc tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị; khắc phục triệt để vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

“Phản ứng chính sách kịp thời hơn nữa; đoàn kết, phối hợp chặt chẽ để tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục, nhất là thủ tục hành chính phục vụ phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội," Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, nhất là cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời, cân bằng, khách quan tình hình dịch bệnh, kết quả phòng, chống dịch, tình hình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; khuyến cáo, hướng dẫn người dân tin tưởng, ủng hộ, chủ động tham gia.

“Trong khi các cơ quan truyền thông, các chuyên gia, tổ chức tài chính quốc tế đánh giá rất cao kết quả phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; chúng ta chưa truyền thông để người dân biết rõ," Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ.

Bên cạnh phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương quan tâm công tác tiêm chủng vaccine mở rộng; tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ...; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên