Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thứ năm, ngày 14/03/2024

(BDO) Sáng 14-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại; lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn các doanh nghiệp, ngân hàng đã cùng toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, người dân vượt qua khó khăn, thách thức để năm 2023 đạt được thành tựu trên hầu hết các lĩnh vực.

Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; an sinh xã hội, đời sống người dân được cải thiện; quốc phòng an ninh được tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát; chuẩn bị 560 ngàn tỷ đồng để chuẩn bị cho tăng lương; đảm bảo chi trả cho các đối tượng chính sách… Trong 2 tháng đầu năm 2024, kinh tế-xã hội tiếp tục đà phục hồi tích cực, tăng trưởng khá.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, dự báo tình hình thế giới năm 2024 vẫn còn không ít khó khăn, thách thức do xung đột, ảnh hưởng bởi đại dịch, các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn khó khăn, ảnh hưởng tới kinh tế nước ta. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo, điều hành cụ thể, sát thực tiễn để hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, an toàn, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đối với ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn, người dân vẫn tiếp tục gửi vào ngân hàng 14 triệu tỷ đồng, song doanh nghiệp vẫn thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh; lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm; một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận, để đưa ra đáp án, giải pháp cụ thể điều hành chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.

Thủ tướng yêu cầu phân tích rõ, tìm ra nút thắt, nguyên nhân vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm; tình hình, điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục việc cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực để việc cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu cần đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...; giải pháp để các Ngân hàng thương mại bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như Ngân hàng Nhà nước đã giao và tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, các đại biểu đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần thực hiện để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trên tinh thần thẳng thắn, không tô hồng, không bôi đen, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo khí thế, củng cố lòng tin, giữ đà tích cực khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng thúc đẩy khôi phục kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Theo TTXVN