Thủ tướng: Tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả chính sách xã hội

Cập nhật: 14-08-2015 | 06:27:31

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi việc thực hiện hiệu quả chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tiếp tục là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và phải thực hiện với quyết tâm cao hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực truyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ngày 13-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết số 70).

Chính sách xã hội được triển khai tích cực

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nói chung và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 70 cho thấy mảng chính sách xã hội được triển khai hết sức tích cực, luôn được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.

“Ở địa phương có đánh giá theo từng tháng, còn Chính phủ tháng nào cũng đề cập tới nhiệm vụ này tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ”, Thủ tướng cho biết.

Những nội dung được Nghị quyết số 15-NQ/TW nêu và đặt ra là hết sức đúng đắn và phù hợp, từ cách đặt vấn đề cho tới quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương bằng Chương trình hành động, có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, cùng với đó là tập trung hoàn thiện thể chế trên từng lĩnh vực cụ thể.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song việc thực hiện các chính sách xã hội đã được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Nếu năm 2012 tổng chi cho an sinh xã hội bằng 5,88% GDP của nền kinh tế thì đến năm 2015, con số này tăng lên khoảng trên 6,6% GDP.

Nhìn lại kết quả qua 3 năm thực hiện chính sách xã hội, điều rất đáng mừng là nhiều chỉ tiêu, mục tiêu được đề ra đã đạt và vượt; theo nhận định chung, đến năm 2020, việc đạt các chỉ tiêu, mục tiêu được đề ra là khả thi.

“Đây là một kết quả đáng mừng, là sự nỗ lực chung của toàn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực cải thiện đời sống nhân dân trên các mặt, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta; góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Trong khó khăn, chúng ta không giảm đi bất cứ một chính sách, khoản chi nào dành cho an sinh xã hội mà còn tăng lên”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thực hiện đạt kết quả cao nhất trên 10 lĩnh vực

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ để thực hiện tốt hơn, thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết 15 của Trung ương đã nêu cần có sự nỗ lực lớn hơn nữa trong tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết.

Với tinh thần như vậy, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải coi việc thực hiện hiệu quả chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tiếp tục là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và phải thực hiện với quyết tâm cao hơn nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu trên 10 lĩnh vực mà Nghị quyết Trung ương đã đề ra gồm: Chính sách người có công; việc làm; thực hiện chương trình giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội; đảm bảo giáo dục-nghề nghiệp; đảm bảo y tế tối thiểu; nhà ở tối thiểu; nước sạch và vệ sinh môi trường; đảm bảo thông tin tối thiểu.

“Tất cả đều là lo cho nhân dân, phải xem triển khai thực hiện Nghị quyết này của Trung ương là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên. Chúng ta đã nhận thức, đã làm nhưng phải tiếp tục nhận thức tốt hơn, làm tốt hơn; từ nhận thức tốt để đề cao trách nhiệm, phấn đấu thực hiện”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách trên từng lĩnh vực, chính sách nào phù hợp thì khẳng định và tiếp tục làm cho tốt, vấn đề nào chưa phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung ngay.

Thủ tướng yêu cầu, sau Hội nghị này phải có sơ kết, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện ở từng lĩnh vực trong số 10 lĩnh vực nêu trên để xác định nhiệm vụ cho 5 năm tới một cách sát, đúng, thiết thực, khả thi: “Từng lĩnh vực đều phải sơ kết. Bộ nào được phân công phụ trách lĩnh vực gì đều phải tiến hành sơ kết, đánh giá cụ thể những mặt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế; kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết”.

Sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 70

Nhấn mạnh việc thực hiện chính sách xã hội là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng yêu cầu đặt ra là chúng ta phải làm, không những thế mà còn phải làm ngày một hiệu quả hơn, bởi đây là “mục tiêu của chúng ta, là trách nhiệm của chúng ta đối với đất nước, đối với nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong điều kiện nguồn lực, ngân sách của Nhà nước còn có hạn, cần phải hết sức quan tâm truyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội bằng 3 nguồn lực chính là nguồn lực Nhà nước; nguồn lực từ bên ngoài như nguồn ODA, các chương trình viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức và nguồn lực từ trong nhân dân.

“Chính phủ hết sức quan tâm cân đối, dành nguồn lực cho an sinh xã hội, song các địa phương khi phân bổ ngân sách cũng phải hết sức quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng của địa phương cho việc này”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương tiếp năng động, sáng tạo trong huy động các nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội.

Đối với nguồn lực, sự tham gia đóng góp từ nhân dân, Thủ tướng lưu ý phải hết sức tính toán, xem xét, đảm bảo cho sự đóng góp là phù hợp với khả năng của người dân.

Cuối cùng, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, coi việc tổ chức thực hiện là một khâu có ý nghĩa quyết định.

“Tổ chức thực hiện là gì, tức là ngoài đưa ra chương trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp thì phải đôn đốc, phải kiểm tra xem thực hiện tới đâu; việc phối hợp giữa các Bộ/ngành, sở/ngành với nhau như thế nào; có sơ kết, đánh giá mặt được, chưa được để phát huy, để biểu dương hoặc kịp thời uốn nắn, phê bình, chấn chỉnh”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau Hội nghị sơ kết này sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục thúc đẩy thực hiện hiệu quả Nghị quyết, trong đó khẳng định rõ những mặt làm được, những mặt còn chưa làm được; những hạn chế, yếu kém tồn tại, nguyên nhân của những hạn chế; các mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới trên tinh thần bám sát Nghị quyết của Đảng và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cho rằng, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Trung ương là một Nghị quyết lớn của Đảng, rất hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đã được Chính phủ, các bộ, ngành quán triệt nghiêm túc, xây dựng thành Chương trình hành động với các giải pháp cụ thể, hiệu quả.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP, hệ thống, chính sách pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội, an sinh xã hội cho người dân; các nguồn lực tham gia bảo đảm an sinh xã hội không ngừng được tăng lên; đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện; lòng tin của nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường;…

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được cũng như phân tích nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong thực hiện chính sách xã hội, lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương đề xuất cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách, nhất là chính sách ưu đãi người có công, chính sách việc làm và đảm bảo thu nhập tối thiểu, chính sách giảm nghèo, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt…; đảm bảo tính đồng bộ, tính kết nối và tính hiệu quả của hệ thống chính sách an sinh xã hội, gắn liền với đó là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với các chính sách liên quan đến an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa, huy động tốt hơn sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân vào thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội;…

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=531
Quay lên trên