Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Nhà kiến thiết của sự nghiệp đổi mới

Cập nhật: 21-11-2022 | 08:42:36

LTS: Nhắc đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhắc đến một nhà kiến thiết của sự nghiệp đổi mới. Ông là người có vai trò đặc biệt quan trọng, mở đường cho quá trình chuyển mình của một đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, cũng như trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Bài 1: Một nhân cách lớn, suốt đời vì nước vì dân

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế hình ảnh một nhà lãnh đạo kiên cường, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng và noi theo.

Sớm giác ngộ cách mạng

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân. Đồng chí sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Được lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền, nên ngay từ sớm trong đồng chí đã hình thành tư tưởng yêu nước, giác ngộ cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng và dân tộc ta.

Khi 16 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, ở tuổi 18, đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm, lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở huyện lỵ Vũng Liêm. Tuy khởi nghĩa thất bại nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã bắt đầu bộc lộ tư chất của một tài năng lớn.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể dự án xây dựng thành phố Vạn Tường và khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất (tháng 7-1995) (Ảnh tư liệu)

Sau đó, trên cương vị Tỉnh ủy viên lâm thời tỉnh Rạch Giá, đồng chí thường xuyên bám địa bàn, bám dân, nhiều lần đối mặt với cái chết trong gang tấc, xây dựng cơ sở cách mạng, huấn luyện lực lượng quân sự, mở rộng và phát triển căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy kháng chiến của các tỉnh miền Tây Nam bộ, góp phần cùng các địa phương trong cả nước làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Khi thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, trên cương vị Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng Liên tỉnh miền Tây, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu. Suốt thời gian đó, dấu chân của đồng chí đã in khắp các chiến trường miền Tây Nam bộ. Bằng trí tuệ, hoạt động chỉ đạo của mình, đồng chí đã góp phần tích cực vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đồng chí Võ Văn Kiệt được Đảng phân công bí mật ở lại miền Nam, hoạt động bên cạnh đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Trong tình thế khó khăn của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, bám sát địa bàn, chỉ đạo cơ sở đấu tranh với kẻ thù. Với sự nhạy cảm của một nhà hoạt động cách mạng lão luyện, đồng chí đã có những nhận định hết sức đúng đắn về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, kịp thời đề ra những đối sách, chỉ đạo phong trào cách mạng.

Xuất phát từ thực tiễn nóng bỏng của cách mạng miền Nam, nắm bắt yêu cầu, nguyện vọng đấu tranh của quần chúng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những ý kiến đề xuất với đồng chí Lê Duẩn, góp phần bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho bản Đề cương cách mạng miền Nam, để từ đó Đảng ta nghiên cứu, hoàn thiện cho ra đời Nghị quyết 15 lịch sử, thổi bùng lên phong trào Đồng Khởi, tạo bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam.

Từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1970, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy T.4, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công vang dội; góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris (1-1973), rút quân đội ra khỏi miền Nam, tạo ra cục diện mới cho cách mạng miền Nam.

Sau Hiệp định Paris, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu đưa ra những quyết định mang tính lịch sử “Đánh địch lấn chiếm, giữ đất giữ dân”; không chấp nhận ngừng bắn khi chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Paris; kiên quyết, chủ động và liên tục tiến công địch trên các mặt trận, cả nông thôn và thành thị. Với quyết định đúng đắn và rất sáng tạo đó, chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân Khu 9 đã làm thất bại âm mưu lấn chiếm của địch, mở rộng thêm nhiều vùng giải phóng, tạo nên thế và lực mới rất quan trọng, là một trong những cơ sở để Đảng ta đưa ra quyết định phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Mùa Xuân năm 1975, trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, trên cương vị Ủy viên Đảng ủy đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ huy năm cánh quân thần tốc tiến vào thành phố, phối hợp với sự nổi dậy của nhân dân, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tinh thần ham học hỏi

Ngay từ nhỏ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có điều kiện theo học tại các trường lớp. Tuy nhiên, với trí tuệ thông minh, cùng với nghị lực phi thường, đồng chí không ngừng trau dồi kiến thức và lý luận cách mạng. Có thể nói, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, cầu tiến, đặc biệt là học từ thực tiễn cách mạng để trưởng thành cả về nhận thức lý luận và bản lĩnh cách mạng.

Ngay cả những năm tháng kháng chiến ác liệt, mỗi khi rảnh rỗi, đồng chí đều tranh thủ đọc sách, báo, tài liệu, ghi chép, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng chí lãnh đạo, từ những trí thức yêu nước và cả cấp dưới của mình. Sau khi đất nước thống nhất, dù giữ chức vụ cao, rất bận rộn với công việc, nhưng đồng chí vẫn thường xuyên nghiên cứu, học tập để nâng tầm hiểu biết. Theo đồng chí, cần tôn trọng những người có bằng cấp, tôn trọng và lắng nghe trí thức, nhưng đồng chí cũng cho rằng, việc học không vì bằng cấp mà học là để đem những kiến thức mới vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, nhất là để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cách mạng là sáng tạo, sự nghiệp cách mạng đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải có khả năng tổng kết thực tiễn, phát hiện cái mới và nhân rộng cái mới. Tinh thần ham học, ham đọc của đồng chí gần gũi một cách tự nhiên với phẩm chất năng động và sáng tạo, nhạy bén với cái mới, cái tiến bộ.

Là nhà lãnh đạo, nhà hoạt động thực tiễn trong nhân dân, chú ý nghiên cứu thực tiễn đất nước, sâu sát cơ sở; có năng lực tổng kết thực tiễn, phát hiện cái mới, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp cho Đảng nhiều chủ trương, chính sách sáng tạo, góp phần đưa đất nước vượt qua thời điểm gay cấn, khó khăn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. (còn tiếp)

Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính để tham khảo ý kiến khi hoạch định những chính sách lớn. Bằng năng lực trí tuệ sắc sảo và trực giác mẫn tiệp của mình, đồng chí đã nắm bắt cái thần, cốt lõi của những vấn đề phức tạp, trên cơ sở đó, đồng chí đã đưa ra những quyết định táo bạo và chính xác…

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên