Từ lâu, thư viện (TV) đã được xem là phương tiện học tập, nghiên cứu của học sinh - sinh viên và những người có nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin. Trong thời đại số với phát triển của internet, game, tra cứu qua mạng... số lượng người đến TV tìm sách nhìn chung có giảm nhiều! Liệu văn hóa (VH) đọc sẽ mất chỗ đứng?
Phải chăng VH đọc đang mất dần chỗ đứng?
Trong những ngày cuối tháng 3, người viết đã đến các TV trong tỉnh để tìm hiểu vấn đề này. Theo quan sát, các TV khá vắng vẻ, số lượng độc giả chủ yếu là những người lớn tuổi. Cụ thể, tại TV TX.TDM, một không gian khá rộng, với rất nhiều đầu sách hay nhưng chỉ có một vài người ngồi đọc. Một độc giả cho biết, ngày thường ở đây rất vắng, đông nhất vào thứ bảy, chủ nhật nhưng cũng không quá 20 người. Đa phần họ đến đọc tạp chí nhiều hơn đọc sách.
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp độc giả dễ dàng tra cứu sách
Tôi (P.V) chợt suy nghĩ, có lẽ TV các huyện, thị, các trường do số lượng sách không đáp ứng đủ nhu cầu của bạn đọc (BĐ), do đó họ sẽ đến TV tỉnh. Bởi TV tỉnh có gần 8.000 biểu ghi với đầy đủ các loại sách, 8 phòng chức năng như: Phòng đọc đa phương tiện, phòng thiếu nhi, phòng tra cứu địa chí, phòng đọc báo, tạp chí... để độc giả tùy thích lựa chọn. Tuy nhiên, ở TV tỉnh lượng độc giả cũng không mấy khả quan hơn so với các TV khác.
Chị Chu Thị Diệu Lý - BĐ tại TX.TDM cho rằng, có lẽ do điều kiện sống khá hơn, họ có thể mua bất kỳ sách nào mình thích, đọc xong để dành. Ngoài ra, sự xuất hiện của internet, game online, tra cứu thông tin trên Google... khiến họ không còn “mặn mà” đến TV. Còn như ông Lê Duy Khánh, cán bộ hưu trí trăn trở: “Hiện nay, không ít người trẻ quan niệm rằng, đọc đơn thuần chỉ là một hình thức để tiếp nhận thông tin, họ không ý thức được rằng, đọc chính là nét VH. VH đọc không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc mà hiểu rộng hơn đó chính là VH tích lũy thông qua cả kỹ năng nghe, nhìn. Bởi vậy, VH đọc đang dần dần bị lứa trẻ lãng quên, đó là vấn đề đáng quan ngại của toàn xã hội, cũng như của những người đang dốc hết sức mình tạo ra sản phẩm VH tinh thần, tri thức đúng chuẩn mực đạo đức”.
Ai cũng biết, chỉ cần có một máy tính kết nối internet bạn đã có thể có cả thế giới trong tay, muốn tra cứu thông tin, chỉ cần một cái nhấp chuột, không cần biết thông tin tràn lan đó đúng hay không. Do đó nhiều bạn trẻ dễ nảy sinh tâm lý lười động não kéo theo tính sáng tạo mất dần. Họ dường như dễ chấp nhận những giai điệu đơn giản của các bản nhạc “viết vội”, những cuốn sách nghèo nàn về thông tin, vụng về trong biên tập... Họ chẳng mấy khi dừng lại ở những trang viết đầy tính nhân văn về cách đối nhân xử thế, những cuốn sách kinh điển hay tuyển tập lịch sử hào hùng của các dân tộc... để biết được trách nhiệm, bổn phận của mình.
Biện pháp thu hút độc giả
Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến VH đọc, luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho VH đọc phát triển. Cụ thể trong Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 25-8-2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Chăm lo phát triển nhu cầu VH đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi... Đến năm 2010, phấn đấu đưa sách đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm. Tập trung củng cố và phát triển hệ thống TV, các loại phòng đọc, trước hết là ở cơ sở...”.
Từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh đã có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống TV tại 7 huyện, thị và TV tỉnh. Riêng đối với các TV, đã tạo mọi điều kiện để độc giả dễ dàng tìm đến đọc, mượn sách. Cụ thể, việc làm thẻ BĐ tại các TV khá nhanh, chỉ cần điền đầy đủ thông tin vào giấy đăng ký; tăng cường thêm nhiều đầu sách, tài liệu có chất lượng; đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hoạt động TV theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông...
Bà Nguyễn Thị Hai, Giám đốc TV tỉnh cho biết, để thu hút độc giả; trong năm 2011 TV tỉnh tổ chức hội thi “Cán bộ TV giỏi”, nhằm giúp các cán bộ TV trong tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề trong công tác phục vụ BĐ. Từ tháng 6 đến tháng 7-2011, tổ chức hội thi tuyên truyền giới thiệu sách thiếu nhi lần thứ I, với chủ đề “Thế giới trong mắt em” tại các huyện, thị; tổ chức triển lãm ảnh, sách mới, sách quý trong các ngày lễ lớn... Đặc biệt, hiện nay TV tỉnh đang tiến hành số hóa 150.000 trang sách, báo nói về tỉnh Bình Dương, tất cả được đưa lên mạng để người đọc có thể dễ dàng tra cứu. Qua đó giúp mọi người hiểu thêm về đất và người Bình Dương.
THIÊN LÝ