Đã bắt đầu những ngày hạn tại Quảng Ngãi, vậy nhưng, chỉ cần vài cơn mưa tiểu mãn xuất hiện đã khiến gần 2.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp của các xã ven sông Thoa thuộc huyện Mộ Đức và Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã chìm trong biển nước. Tình trạng này đã kéo dài hơn 20 năm nay vì dự án tiêu úng đã có từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Bà Lê Thị Hồng, 65 tuổi, thôn Văn Hà, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, làm 4,5 sào, trồng lúa. Theo lịch thời vụ, số diện tích trên được gieo sạ lần đầu ngày 9-1-2011. Mới sạ được 3 ngày, gặp mưa tiểu mãn gây ngập úng ngâm thối thóc giống không thể mọc mầm. Chờ nước rút cũng mất nửa tháng, bà gieo sạ lần 2 nhưng cũng lại bị ngập úng tiếp gây hư hại… Cho đến bây giờ, đã sạ lúa lần 3, non một tháng, phần bị sâu năng phá hoại khiến thân lúa như cọng hành, không thể làm đòng; phần nữa, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi vừa thông báo cắt nước kênh Thạch Nham để duy tu, bảo dưỡng, vậy là hết hy vọng cho cây lúa. Làm nông “nhất nước, nhì phân…” - “nước mất, mất lúa chứ còn gì nữa”, ông Võ Minh, 75 tuổi, canh tác lúa trên 1ha khốn đốn hơn bà Hồng vì đã 4 lần gieo sạ, nói ứa nước mắt. “1ha mỗi lần gieo sạ hết 150kg lúa giống, giá lúa giống hiện nay 12.000 đồng/kg, chỉ tiền mua giống thôi cũng đã mất 1,8 triệu đồng, chưa kể thuốc diệt cỏ, thuê công cấy, làm đất… Vậy mà vụ này xem như đã trắng tay. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cứ đà này cái đói nghèo vẫn đeo đẳng”, ông Minh than thở.
Dọc theo triền sông Thoa có đến 6 xã của huyện Mộ Đức, 2 xã của huyện Đức Phổ chịu ảnh hưởng bởi tình trạng chưa mưa đã ngập úng, chưa nắng đã khô hạn hơn 20 năm với diện tích gần 2.000ha, riêng xã Đức Phong đã chiếm 650ha. Tình trạng ngập úng, khô hạn liên miên nên nông dân cũng “ngán” làm ruộng, diện tích bị bỏ hoang lên đến hàng trăm hécta. Mùa màng thất bát nên ở các làng quê này chỉ còn lại phụ nữ, người lớn tuổi, trẻ em, bởi người có sức lao động đã tứ tán làm ăn xa, gửi tiền về phụ giúp gia đình. Trần Đình Long, Chủ tịch UBND xã Đức Phong cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tuyến kênh sông Thoa đã hơn 20 năm bị bồi lấp, lòng sông bằng mặt ruộng, nhưng chưa được nạo vét lần nào, khiến việc tiêu úng “tắc” nghẽn.
Phần nữa, tuyến kênh S2 dẫn nước từ kênh chính Thạch Nham về tưới nước sản xuất quá ngoằn ngoèo, đi qua nhiều xã, là kênh đất nên nước bị thất thoát, xã Đức Phong lại nằm cuối nguồn nên không hy vọng có nước. Qua bao lần kiến nghị của nông dân, dự án tiêu úng sông Thoa đã được lập trình UBND tỉnh, Chính phủ ghi vốn năm 2008 với kinh phí dự kiến 350 tỷ đồng, từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, do không có vốn nên dự án cũng “tắc” luôn cho đến nay.
“Để cứu lúa mùa hạn và tiêu úng về mùa mưa, đầu tháng 4-2011, tỉnh Quảng Ngãi đã tạm trích kinh phí 20 tỷ đồng, trong đó 12 tỷ đồng để bê tông hóa tuyến kênh S2 và 8 tỷ đồng nạo vét lần đầu. Đơn vị được giao thi công là Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết. “Vậy là nỗi khổ bên sông Thoa của hàng ngàn hộ nông dân ở huyện Mộ Đức, Đức Phổ đã có hướng ra. Tuy nhiên, còn phải chờ xem khi nào cơ quan chuyên môn triển khai kế hoạch”, ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch UBND xã Đức Phong một lần nữa lại trăn trở và chờ đợi.
Theo SGGP