Thưa thầy, bài học chiều nay/ Con bỏ quên ngoài cửa lớp/ Dưới
gốc phượng già, nằm nghe chim hót/ Con hóa mình thành bướm và hoa (Thưa thầy, Tạ
Nghi Lễ) “Thưa thầy” của nhà thơ Tạ Nghi Lễ (đã mất, nguyên là CTV
báo Bình Dương) là lời một người đàn ông trung niên nhớ về thầy cũ của mình.
Chính điều này khiến cho độc giả dễ bồi hồi vì có lẽ khi nhắc đến thời áo trắng,
ai cũng có một ký ức đẹp, để phút chốc thấy bâng khuâng và đong đầy thương nhớ
cho cái thuở chỉ biết ăn biết học, không phải lo toan cho cuộc sống bộn bề. Cái
thuở thơ ngây và hồn nhiên như trang giấy trắng, để rồi sau này bước vào cuộc đời
có quá nhiều bon chen, những áo trắng ngày xưa mới nhận ra rằng còn quá nhiều
câu hỏi đang rất cần sự chỉ dạy của thầy - như lời của thi sĩ Tạ Nghi Lễ: Thưa
thầy, bên ly cà phê đen/ Con đốt thời gian bằng khói thuốc/ Sống cho mình và
không bao giờ mơ ước/ Mình sẽ là ai? Tôi sẽ là ai? Những câu hỏi của một bề dày
cuộc đời sương gió gửi đến người thầy khả kính ngày xưa, như liên tưởng đến
cánh diều cuộc đời của mỗi gương mặt trẻ thơ gầy gò và đen đúa rồi sẽ bay tới
đâu? Dây diều cuộc đời của từng gương mặt học trò ấy ai sẽ giật? Làm sao biết
được khi mà mơ ước trẻ thơ chỉ là con diều thực tại, căng dây và no gió. Và gió
trên đồng vẫn thổi mênh mông!
Bãng lãng trong “Thưa thầy” là nhiều tầng nấc không gian, thời
gian để người ta tự chiêm nghiệm về mình, về mỗi cá nhân trong cuộc sống. Nơi
đó, có thể là câu chuyện của việc để chạm tới một bến bờ xa ngái ở cái tương
lai mơ hồ phía trước, người ta vẳng nghe tiếng i a tuổi học trò vẫn đều đều
vang lên rồi tắt lịm, chỉ còn bóng đêm và thú vui đàn đúm bao vây tuổi mới lớn.
Để rồi tất cả sẽ lại vang lên ngậm ngùi: Thưa thầy bài tập hôm qua/ Con bỏ vào
ngăn khóa kín/ Mải lượn lờ theo từng vòng sóng/ Cái ngã điệu đàng, sân trượt
patin. Ở đó, còn có câu chuyện của ngày ấy, thầy có lẽ là “người lái đò” đầu
tiên khi thầy cầm tay nắn nót cho đứa học trò tóc để chỏm xóm quê nghèo từng
nét chữ với cây bút chì mới tinh, nét tròn trĩnh đầu tiên mang dáng hình của
tình thương, là giọt mồ hôi của bao con người chân chất khom lưng ngoài đồng chỉ
mong bát cơm đầy cho con cháu, là dáng bà nội lưng còng ẵm cháu cố đi nhanh vào
nhà kẻo trời mưa, là nỗi lo của mẹ chưa bao giờ vơi và hình ảnh: Thưa thầy, qua
ngõ nhà thầy khuya nay/ Con vẫn thấy một vầng trăng ấm sáng/ Thầy ngồi bên bàn
phẳng lặng/ Soạn bài trong tiếng ho khan… Những tháng ngày bụi bặm trong mỗi thân phận rồi cũng qua
đi. Người thầy năm xưa và đứa học trò tuổi trung niên hôm nay phải chăng lại viết
thêm một điều gì đó vào khung trời hồi tưởng? Chợt nhiều lúc ước ao được một lần
khoác lên mình chiếc áo trắng tinh tươm đến trường cùng bè bạn trong chuyến xe
trở ngược về miền hoa mộng. Nơi đó có những cái bóng đổ dài trên nền xám của vỉa
hè mà mãi sau này những đứa học trò mới thấm thía nhận ra lắm khi chốn vỉa hè ấy
cũng là một ông thầy đường phố tiếp nối dạy cho những đứa học trò - giờ đã lớn
- biết bao bài học mà có lúc người ta phải ngậm ngùi thốt lên hệt như lời kết của
nhà thơ Tạ Nghi Lễ đang vòng tay: Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn/ Sao
con học hoài không thuộc/ Để bây giờ khi con hiểu được/ Biết làm sao tạ lỗi
cùng thầy. Những tháng cuối năm hoa nắng vẫn lấp lánh trên cao, lấp
lánh trên mái tóc, lấp lánh trong mỗi ánh mắt, nụ cười. Cảm ơn nhà thơ Tạ Nghi
Lễ, với “Thưa thầy”, người đọc như ước ao được một lần ngồi lại cùng nhau ôn
chuyện cũ, hay đơn giản chỉ yên lặng bên nhau nhưng biết rằng ngay bên mình là
những người mà ta vô cùng yêu quý; bởi như điều mà thầy dạy: Thưa thầy, cho là
nhận: điều giản đơn/ Sao con học hoài không thuộc... MINH CHÂU