Đó là cách giáo dục con cháu của cô Nguyễn Thị Việt Nhân, một gia đình (GĐ) văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền ở khu phố 2, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một. Cô Việt Nhân cũng là một điển hình trong xây dựng GĐ hạnh phúc, tiến bộ cũng như làm tốt công tác xã hội.
Cô Nguyễn Thị Việt Nhân năm nay đã 71 tuổi, nhưng khi nào tôi đến chơi cũng thấy cô đang làm việc nhà hay nấu nướng. Cô bảo rằng vẫn đi chợ nấu ăn cho “đôi bạn già” là cô cùng chồng. Cô Việt Nhân nguyên là cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển của tỉnh Sông Bé (cũ). Với những cố gắng trong công tác, từ năm 1986, cô đã được nhận bằng khen Phụ nữ tài năng ngành ngân hàng cấp Nhà nước. Tấm gương vượt khó, học hỏi của cô luôn được con cháu noi theo. “Hồi mới từ Hà Nội chuyển vào đây, cô chỉ học hết trung cấp. Năm 1979, khi đã là mẹ của 4 đứa con, con út mới 3 tuổi nhưng cô vẫn sắp xếp công việc đạp xe lên TP.HCM học đại học tại chức. Năm 1983 nhận bằng tốt nghiệp Đại học Tài chính. Dù bận rộn công việc, con cái đến đâu cô cũng tranh thủ thời gian tổ chức và tham gia các phong trào văn thể mỹ của cơ quan. Năm 45 tuổi, sau cơn nhồi máu cơ tim, cô xin nghỉ hưu sớm để điều trị bệnh” - cô Việt Nhân kể.
Gia đình cô Nguyễn Thị Việt Nhân vẫn giữ thói quen sum họp 3 thế hệ mỗi dịp cuối tuần, lễ, tết. Ảnh: Q.NHƯ
Là người năng động, sáng tạo và không ngừng học hỏi nên ngày 1-1-1991, cô mở trường dạy nghề Alfa và làm hiệu trưởng giáo dục các lớp về nữ công gia chánh cho học viên. Trong gần 10 năm hoạt động, trường dạy nghề Alfa đã đào tạo nghề cho hàng ngàn học viên, giúp họ có công việc ổn định. Tấm gương của cô được con cháu noi theo nên những đứa con của cô ai nấy đều cố gắng học tập, thành đạt trong cuộc sống. Hiện cô chú có 9 cháu nội, ngoại. Khi kể về đứa cháu tên Nguyễn Huỳnh Kim Bảo, mắt cô Việt Nhân ánh lên một niềm vui: “Con bé ngoan, học giỏi lắm. 12 năm liền là lớp trưởng. Thi đỗ vào Đại học Ngân hàng TP.HCM, cháu của cô lại tiếp tục được bầu làm lớp trưởng bởi những thành tích trong học tập và phong trào đoàn thể”.
Cách dạy con cháu của cô Việt Nhân đơn giản nhưng cũng rất nghiêm khắc, đầy tình thương. Đó là yêu cầu phải học hành nghiêm túc, anh chị em luôn yêu thương, bảo bọc nhau, biết tiết kiệm và làm từ thiện giúp đời, giúp người. Cô kể, ở nhà cô đứa cháu nào cũng có con heo đất để dành tiền. Khi nào cần thì lấy tiền mua dụng cụ học tập và trích một khoản cho từ thiện xã hội. Đây là cách dạy con cháu biết tiết kiệm, quý trọng sức lao động và biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Nếp sống của GĐ cô là dù con cháu có bận đi học, đi làm đâu xa thì vào dịp cuối tuần hay lễ, tết cũng về tề tựu đông đủ để cùng ăn cơm GĐ, kể cho nhau nghe những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống…
QUỲNH NHƯ