Thúc đẩy chuyển đổi số, nâng chất thương mại - dịch vụ

Cập nhật: 12-12-2023 | 08:30:16

 Các ngành, địa phương trong tỉnh nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, bắt nhịp xu hướng tất yếu trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi.

 Doanh nghiệp công nghệ giới thiệu đến khách hàng thực hiện chuyển đổi số, nâng cấp kinh doanh lĩnh vực thương mại - dịch vụ

Diện mạo mới

Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, cho biết trong quá trình chuẩn bị để trở thành thành phố, Bến Cát nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, công nghiệp tăng trưởng ổn định, dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong năm 2023, kinh tế của TX.Bến Cát có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt 12,1% so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt cùng với sự phát triển của công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ (TM-DV) cũng nâng chất rõ nét. Trên địa bàn thị xã hiện nay có 1 siêu thị, 23 cửa hàng tiện ích và 11 chợ đang hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, gần đây, địa phương đưa vào hoạt động chợ đêm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt 84.650,4 tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2022 là một minh chứng cụ thể cho mức tăng trưởng TM-DV của địa phương.

“Năm 2024, TX.Bến Cát tiếp tục phát triển kinh tế với các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, trong đó hạn chế ngành nghề có sử dụng nhiều lao động, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, quản lý tốt và phát triển TM-DV theo hướng văn minh hiện đại”, ông Nguyễn Trọng Ân cho biết thêm.

Là trung tâm công nghiệp, TP.Dĩ An có lợi thế giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, có điểu kiện thuận lợi kết nối giao thương, tạo động lực lớn cho mảng TM-DV TP.Dĩ An phát triển. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 144.718 tỷ đồng, đạt 78,69% kế hoạch, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, lĩnh vực TM-DV tại TP.Dĩ An có những bước tiến mới theo hướng văn minh, hiện đại. Trên địa bàn có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 86 cửa tiện ích với đầy đủ sự góp mặt của các “ông lớn” trong ngành bán lẻ và 10 chợ truyền thống hiện đang hoạt động ổn định. Sự ra đời của các cửa hàng tiện ích cho thấy các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đã nhanh nhạy trong việc nắm bắt và tiếp cận thị trường. Đồng thời đây cũng chính là cơ hội để Dĩ An đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực TM-DV. Ông Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết năm 2024 TP.Dĩ An đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển ngành TM-DV chất lượng cao, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Tại TP.Dĩ An đã chọn tuyến đường Nguyễn An Ninh, khu vực chợ Dĩ An, siêu thị Vinmart, nhà sách Dĩ An và đường GS1 Trung tâm thương mại GO! phường Đông Hòa làm tuyến đường và khu thương mại điểm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Trong thời gian tới, TP.Dĩ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch đến mọi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Chợ truyền thống ngày một văn minh

Trao đổi với chúng tôi về việc nâng chất các chợ truyền thống theo hướng ứng dụng công nghệ vào trong kinh doanh, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong giai đoạn 2023-2025 tổ chức thí điểm mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thực thi văn minh thương mại trong hoạt động kinh doanh nói chung và tại chợ truyền thống nói riêng.

Bà Phan Thị Khánh Duyên khẳng định ngành và các địa phương phối hợp các đơn vị công nghệ triển khai mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển hình thức đi chợ mới, người đi chợ sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử thay thế cho tiền mặt. Ông Trần Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Viettel Bình Dương, cho biết đơn vị đã đưa giải pháp chuyển đổi số chợ 4.0, triển khai thực hiện thí điểm mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Lái Thiêu, TP.Thuận An.

Ông Lê Thành Luân, đại diện VNPT Bình Dương, cho biết VNPT tuyên truyền, phổ biến các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh và giới thiệu tổng quan giải pháp hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt. VNPT cũng thực hiện lộ trình và giải pháp thực hiện thí điểm mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Đình (TP.Thủ Dầu Một) trong thời gian tới. Tại đây, người đi chợ và tiểu thương có thể thanh toán bằng cách chuyển tiền hoặc quét mã QR có sẵn trên ứng dụng thanh toán điện tử chuyên biệt.

 Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Việc thực hiện mô hình chợ văn minh thương mại bao hàm ý nghĩa mang đến sự thay đổi về diện mạo đô thị, không gian giao thương bởi ngoài các tiêu chí còn tạo ra chuẩn mực văn hóa trong ứng xử. Xây dựng chợ văn minh đang là mô hình mà các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai gắn với việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Qua mô hình chợ văn minh góp phần gìn giữ văn hóa tốt đẹp của chợ truyền thống, làm nên nét đẹp của vùng đất Bình Dương.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên