Thúc đẩy chuyển đổi số tại chợ truyền thống

Cập nhật: 07-03-2024 | 09:12:18

 Dù có nhiều tiện ích và ngày càng phủ rộng ra các huyện, thị xã, thành phố song việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại các khu vực chợ truyền thống vẫn còn là công việc lâu dài của các ngành chức năng.

 

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp triển khai dịch vụ TTKDTM tại các địa phương

Tích cực triển khai

Một trong những nỗ lực của Bình Dương nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch không cần sử dụng tiền mặt là đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Thanh toán trực tuyến bằng quét mã QR, sử dụng ví điện tử tại nhiều địa phương, hệ thống chợ đã mang lại rất nhiều thuận tiện cho người dân.

Anh Phạm Thanh Huấn, chủ cửa hàng thuốc tây tại đường 18-9, tổ 2, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo cho biết đã kinh doanh 5 năm nay, vài tháng gần đây bắt đầu tham gia mô hình TTKDTM. “Tôi thấy hình thức này đơn giản, bảo mật, thuận tiện trong quá trình mua, bán, tránh rủi ro, nhầm lẫn khi trả lại tiền thừa cho khách hàng. Giờ đây, khách hàng đi chợ, mua thuốc chữa bệnh không cần cầm tiền mặt, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, mua hàng xong mở điện thoại, quét mã QR Code để thanh toán. Tính đến nay, có khoảng 50-60% khách hàng thực hiện TTKDTM tại cửa hàng của tôi”, anh Huấn cho biết.

Tương tự, tại các tuyến phố thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, phương thức TTKDTM đã “len lỏi” đến khắp cửa hàng, ki-ốt, từ quầy hàng thực phẩm đến các quầy hàng gia dụng, thời trang. Nhiều chủ cửa hàng ăn uống, giải khát tại thị trấn này cho biết việc TTKDTM được áp dụng đã tạo nên một hình thức thanh toán mới cho người dân vùng xa. “Tuy có đôi chút khó khăn, nhất là với người lớn tuổi, nhưng hầu hết khách hàng đều cho rằng việc TTKDTM rất thuận tiện, an toàn. Chúng tôi cũng đỡ mất thời gian trả lại tiền thừa như trước đây”, chị Lê Mỹ Hằng, chủ cửa hàng quần áo trên tuyến đường NC, thị trấn Lai Uyên cho biết.

Chị Huỳnh Trần Mỹ Ngọc, chủ cửa hàng bách hóa tổng hợp Mỹ Ngọc, phường Dĩ An, TP.Dĩ An, cho biết: “Thời điểm này người dân đi mua sắm hầu như đã rất quen thuộc với hình thức quét mã QR để thanh toán. Tôi đã trang bị cho mình mã QR để thực hiện thanh toán. Việc TTKDTM cần phổ biến rộng rãi nhiều hơn để người dân biết, thực hiện”.

Ông Hoàng Trung Thái, Trưởng ban Quản lý chợ Dĩ An, cho biết toàn chợ có khoảng 450 gian hàng, kinh doanh đa dạng các ngành hàng. Trong năm 2023, nhờ được thành phố tuyên truyền, phổ biến hình thức TTKDTM, nhìn chung các tiểu thương đều biết đến và ứng dụng thành thạo hình thức thanh toán này.

Nhiều giải pháp số

Theo Sở Công thương Bình Dương, dù trên địa bàn đã có khá nhiều chợ truyền thống áp dụng các phương thức TTKDTM, tuy nhiên do thói quen sử dụng tiền mặt của tiểu thương, khách hàng lâu nay, việc triển khai TTKDTM bước đầu còn gặp khó khăn. Mục tiêu của địa phương trong thời gian tới là nâng dần tỷ lệ TTKDTM.

Trong xu hướng đó, ngành công thương xác định phát triển kinh tế số và xây dựng văn minh thương mại (VMTM) là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện nhằm phát triển ngành thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững. Giai đoạn 2023- 2025, ngành đưa ra mục tiêu đẩy mạnh TTKDTM, thúc đẩy nâng cao tỷ lệ các chợ theo tiêu chí VMTM, phấn đấu đến năm 2025 các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có ít nhất 1-2 chợ áp dụng thí điểm chợ TTKDTM và đạt tiêu chí VMTM.

 Hướng dẫn tiểu thương cài đặt, sử dụng ứng dụng dịch vụ TTKDTM tại chợ Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên

Ông Lê Thành Luân, đại diện VNPT Bình Dương, cho biết để triển khai hiệu quả chợ TTKDTM, VNPT đã nghiên cứu và có các hỗ trợ thiết thực nhất đối với người dùng. Trong đó, với tiểu thương là việc thanh toán phải tích hợp dễ dàng, người dùng chỉ bật điện thoại lên là quét mã thanh toán. Kế đến các giao dịch phải được miễn phí, không phát sinh các chi phí trong quá trình giao dịch. Thứ ba, người dân cần có các tiện ích hiện đại, dễ sử dụng cũng như phải có được những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân đi chợ quen dần với việc TTKDTM để thúc đẩy đi vào thực chất.

Nhờ sự lan tỏa của mô hình TTKDTM, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn, như: BIDV, Agribank, Vietcombank, Nam Á bank, TPbank… đã đồng loạt thực hiện phủ rộng các mã QR Code tại các trung tâm, chợ truyền thống để thúc đẩy TTKDTM. Bà Lâm Thị Châu Phương, Giám đốc TPbank Bình Dương, cho hay TPbank tham gia triển khai chương trình mô hình 4.0 tại các chợ truyền thống nhằm khuyến khích tiểu thương và người dân thay đổi thói quen, dịch chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang sử dụng các hình thức TTKDTM. Từ đó, giúp các giao dịch giữa người bán và người mua thuận lợi, an toàn hơn, đồng thời thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn.

 Dư địa phát triển TTKDTM trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ tại Bình Dương còn rất lớn, nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, cho biết sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư tích hợp thêm nhiều giải pháp số hiện đại, hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng một cách tốt nhất góp phần thúc đẩy chuyển đổi số theo xu hướng nền kinh tế số hiện nay. Qua đó, góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên