Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết đánh giá Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương (PII) năm 2023 diễn ra hôm qua (4-7), Bình Dương có điểm số đứng thứ 8 cả nước. Dựa trên kết quả này, tỉnh cung cấp bằng chứng khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và ĐMST phù hợp với điều kiện, tiềm năng và lợi thế của Bình Dương.
Thuận lợi phát triển
Bộ Chỉ số PII do Bộ KHCN chủ trì xây dựng nhằm cung cấp bức tranh thực tế tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) dựa trên KHCN và ĐMST của từng địa phương. Qua đó, chỉ số PII cung cấp căn cứ, bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KHCN và ĐMST.
Bình Dương đang tập trung nguồn lực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Trong ảnh: Sinh viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông thực hành thí nghiệm quy trình công nghệ tự động hóa. Ảnh: TRẦN DUY TÌNH
Theo báo cáo về Chỉ số PII năm 2023, tỉnh Bình Dương đạt 48,64 điểm, có điểm số đứng thứ 8 cả nước. Trong khi đó, Hà Nội có điểm số cao nhất là 62,86 điểm. Bình Dương đứng thứ ba về số lượng các chỉ số dẫn đầu, với 7 chỉ số trên tổng số 52 chỉ số thành phần, bao gồm chỉ số tỷ lệ doanh nghiệp (DN) có hoạt động nghiên cứu phát triển và ĐMST, số lượng DN mới thành lập, tỷ lệ người trên 15 tuổi có việc làm, thu nhập bình quân đầu người. Đối với vùng Đông Nam bộ, Bình Dương có điểm PII đứng thứ 3, TP.Hồ Chí Minh có điểm số cao nhất: 55,85 điểm.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bộ Chỉ số PII có ý nghĩa rất quan trọng đối với Bình Dương vì tỉnh đang hướng tới phát triển thành phố thông minh, ĐMST. PII sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh nắm bắt được thực trạng hoạt động KHCN, ĐMST trên địa bàn và có định hướng giải pháp phát triển phù hợp. |
Theo đánh giá của ông Nguyễn Võ Hưng, Trưởng ban Chính sách ĐMST, Học viện KHCN và ĐMST, Bình Dương là một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh, có thuận lợi đáng kể trong việc thúc đẩy Chỉ số PII. Theo ông Hưng, một trong những điểm mạnh đáng chú ý của Bình Dương là sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, tăng trưởng ổn định và có môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút sự chú ý của DN và nhà đầu tư. Sự phát triển của các khu công nghiệp và các DN địa phương tạo ra cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng, tạo tiền đề lý tưởng cho việc thúc đẩy ĐMST. Đồng thời, Bình Dương cũng đã bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển.
“Một yếu tố quan trọng khác là sự hợp tác chặt chẽ giữa DN, các cơ sở giáo dục và nghiên cứu. Mối quan hệ này không chỉ cung cấp cơ hội cho việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm mà còn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp tăng cường năng lực ĐMST trong cộng đồng DN địa phương. Bình Dương còn có một nguồn lao động đa dạng với trình độ và chất lượng đào tạo tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy sự đổi mới và phát triển”, ông Nguyễn Võ Hưng cho biết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa hoc và Công nghệ, đây là kết quả rất đáng khích lệ, là minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng DN trong việc thúc đẩy ĐMST. “Thông qua kết quả chỉ số PII, Bình Dương có thể nắm bắt bức tranh tổng thể về năng lực ĐMST của tỉnh, bao gồm cả yếu tố đầu vào và kết quả đầu ra. Bên cạnh đó, so sánh, đối chiếu với các địa phương khác, rút kinh nghiệm, học hỏi, định vị Bình Dương trên bản đồ ĐMST của cả nước. Ngoài ra, dựa trên chỉ số PII, tỉnh cung cấp bằng chứng khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển KHCN và ĐMST phù hợp với điều kiện, tiềm năng và lợi thế của Bình Dương”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Long cho biết.
Hoàn thiện hệ sinh thái
Bình Dương xác định KHCN và ĐMST là một trong những đột phá chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH, đưa tỉnh trở thành điểm sáng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể hóa mục tiêu này, Bình Dương đã và đang tập trung triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, xây dựng và hoàn thiện Hệ sinh thái ĐMST, thu hút và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tiếp tục chiến lược phát triển thành phố thông minh - công nghiệp 4.0.
Trường Đại học Quốc tế Miền Đông tập trung xây dựng Hệ sinh thái ĐMST phục vụ nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao
Bình Dương có nhiều điểm mạnh, nhưng vẫn đối diện với một số thách thức và hạn chế trong quá trình thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cấp địa phương. Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, một trong những thách thức lớn là thiếu hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các DN và cá nhân trong việc thúc đẩy ĐMST. Sự khan hiếm về tài nguyên này có thể làm chậm tiến trình phát triển và áp dụng công nghệ mới. Bình Dương cũng đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các khu vực lân cận và quốc tế.
Đóng góp ý kiến để hoàn thiện bộ Chỉ số PII và nâng cao hiệu quả ĐMST cho Bình Dương, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ, Học viện KHCN và ĐMST cho rằng Trụ cột 1 (Thể chế) là trụ cột kém nhất trong chỉ số PII năm 2023 của Bình Dương, xếp hạng 60. Đối với trụ cột này, tỉnh cần tăng cường cải thiện môi trường chính sách, môi trường kinh doanh. Đối với Trụ cột 2 (Vốn con người và nghiên cứu phát triển), Bình Dương cần tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, KHCN từ ngân sách địa phương, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trung học tham gia các cuộc thi khoa học và kỹ thuật. Đối với Trụ cột 4 (Trình độ phát triển của thị trường) tỉnh cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành, phát triển các DN dịch vụ chuyên môn và KHCN. Với Trụ cột 6 (Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ), Bình Dương cần khuyến khích các hoạt động sáng tạo và đăng ký tài sản vô hình, khuyến khích đăng ký DN KHCN.
PHƯƠNG LÊ