Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Cập nhật: 15-10-2022 | 06:35:31

Để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển nguồn nhân lực tri thức, tạo dựng cơ sở hạ tầng giáo dục hiện đại có vai trò quan trọng. Nhận thức rõ điều này, Bình Dương đã khởi xướng liên kết mạng lưới, ban hành các chính sách cụ thể, thu hút nguồn lực toàn xã hội, quyết tâm hình thành nền tảng ĐMST và khởi nghiệp để có thể bứt phá, phát triển.

Hình thành cơ sở

Bình Dương hiện có 4 trường đại học (ĐH), cao đẳng nằm trong đề án đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, bao gồm: ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Quốc tế Việt - Đức và trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore. Đây là những trường được đầu tư và hỗ trợ nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để thực hiện sứ mệnh thiết lập nền tảng cho việc xây dựng, phát triển cộng đồng sáng tạo và khởi nghiệp. Hiện nay, các trường đều thành lập các trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp hoặc vườn ươm doanh nghiệp (DN), đưa các nội dung về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo.

Hoạt động nghiên cứu của sinh viên tại phòng Faplap, trường Đại học Quốc tế Miền Đông

Các trường, cơ sở hình thành các phòng thí nghiệm, thực nghiệm dựa trên những lĩnh vực thuộc thế mạnh của địa phương. Đơn cử như Fablab cơ khí chế tạo tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - singapore; Fablab công nghệ sinh học tại trường ĐH Thủ Dầu Một; Phòng thí nghiệm chiếu sáng kết hợp giữa Tập đoàn Philips và ĐH Quốc tế Miền Đông; Xưởng thực nghiệm khởi nghiệp (Aspire Sci-Tech Park) diện tích 16.000m2 dành cho các khởi nghiệp về sản xuất; Phòng nghiên cứu và phát triển được đầu tư bởi Công ty VNTT của Bình Dương và Tập đoàn Wus Tech của Đài Loan... Đặc biệt, Block 71 Việt Nam được đặt tại TP.Hồ Chí Minh sẽ tạo thành cầu nối để Bình Dương gắn kết nguồn lực với TP.Hồ Chí Minh và hòa nhập vào chuỗi khởi nghiệp toàn cầu.

Những năm gần đây, ĐH Thủ Dầu Một được biết đến như một điểm sáng về hoạt động khởi nghiệp và ĐMST. Tại đây, mỗi năm có hàng trăm ý tưởng, đề tài nghiên cứu của giảng viên và sinh viên, nhiều ý tưởng đã được phát triển thành sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Mô hình nhà trường đang hướng đến là đào tạo gắn kết với thực tiễn, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên bằng việc gắn chặt mối quan hệ giữa nhà trường và DN. Sinh viên được học tập và nghiên cứu trong môi trường năng động, được tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, phòng thí nghiệm.

Kết nối, phát triển

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một, cho biết: “Những năm qua, nhà trường đã phối hợp với Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, Hội đồng Anh tại Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh mở rộng hợp tác với các DN, vườn ươm, các trường ĐH tại Việt Nam trong việc phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo”.

Vườm ươm DN Becamex IDC (BBI), thuộc trường ĐH Quốc tế Miền Đông cũng là điểm sáng về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo. BBI thường xuyên tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp, ĐMST cho sinh viên, startup, DN khởi nghiệp. Vườn ươm DN Becamex IDC và FabLab tiêu chuẩn quốc tế tại đây đang hoạt động rất hiệu quả, kết nối với Xưởng thực nghiệm khởi nghiệp diện tích 16.000m2. Đây chính là nơi ươm tạo cho các ý tưởng, dự án thông qua các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, gọi vốn đầu tư và thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp. Từ BBI, đã có rất nhiều sinh viên và bạn trẻ được tạo điều kiện, trở thành doanh nhân, chủ DN và cũng đang rất thành công.

Là công ty khởi nghiệp công nghệ về xe máy điện, trong khoảng thời gian đầu, Công ty Datbike tạo được ấn tượng mạnh tại thị trường trong nước. Tháng 4 vừa qua, dự án khởi nghiệp này huy động thành công 2,6 triệu đô la Mỹ từ một quỹ đầu tư mạo hiểm. Anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn, người sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Datbike, cho biết: “Công ty nhận sự hỗ trợ từ chính quyền, ĐH Quốc tế Miền Đông, vườn ươm DN Becamex IDC về xây dựng nhà xưởng miễn phí, đồng thời giới thiệu sinh viên vào làm việc tại công ty, hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư khác”.

Có thể thấy, các trường ĐH đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST. Trường ĐH là nơi đào tạo nhân tài, cũng là nơi kết nối xây dựng mạng lưới giữa sinh viên, nhà khoa học, các chuyên gia, DN start-up. Vườn ươm DN, câu lạc bộ khởi nghiệp hay các không gian sáng tạo trong trường ĐH là nơi thực hành thực tế. Từ đó, thúc đẩy, nâng cao chất lượng các hoạt động ĐMST và khởi nghiệp trong sinh viên và thanh niên.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: “Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào các bài toán thực tiễn để thúc đẩy DN khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Bình Dương cũng có định hướng xây dựng một chính quyền kiến tạo, tập trung thu hút kết nối nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia vào công tác xây dựng khởi nghiệp, ĐMST”.

PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên