Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ - Kỳ 1

Cập nhật: 08-03-2023 | 07:27:17

Kỳ 1: Số lượng khiêm tốn

 Bình Dương có hơn 60.000 doanh nghiệp (DN), nhưng con số được chứng nhận DN khoa học và công nghệ (KHCN) quả thật rất ít ỏi. Chúng tôi dự nhiều hội nghị, gặp gỡ “người trong cuộc” để tìm một câu lý giải thỏa đáng cho vấn đề vì sao có nhiều ưu đãi, chính sách hỗ trợ phát triển, nhưng số lượng DN KHCN vẫn “dậm chân tại chỗ”? Bao giờ Bình Dương mới có được một cộng đồng DN KHCN mạnh?

 TS.Ngô Minh Đức chia sẻ về hoạt động đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp khoa học - công nghtại một hội thảo do Bình Dương tổ chức

 DN chưa mặn mà, vì sao?

Theo thống kê của Sở KHCN, tính đến nay trên địa bàn có 7 DN KHCN được cấp giấy chứng nhận. DN chưa thật sự mặn mà hay để đạt được tiêu chuẩn này là quá khó… Theo tìm hiểu, các DN có giấy chứng nhận là DN KH&CN sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi, như: Miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm, được giảm 50% trong 9 năm và được hưởng thuế suất thu nhập DN 10% trong suốt thời gian giấy chứng nhận có hiệu lực. Ngoài ra, các DN còn được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, được sử dụng những thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sử dụng những dịch vụ miễn phí tại các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN…

Có quá nhiều ưu đãi khi trở thành DN KHCN. Vấn đề còn lại là tại sao? Chúng tôi tìm gặp ông Lương Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Boston Pharma Việt Nam (KCN VSIP I), một DN vừa được chứng nhận là DN KHCN để nghe tiếng nói của “người trong cuộc”. Theo ông Khoa, cái khó nhất để được cấp chứng nhận DN KHCN khi thành lập chính là phải xây dựng những dự án sản xuất, kinh doanh, chứng minh được việc đang sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp các kết quả nghiên cứu KHCN; phải giải trình toàn bộ quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ, chứng minh các sản phẩm hàng hóa phải được hình thành từ kết quả KHCN, luôn bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Tại hội nghị tổng kết ngành KHCN năm 2022, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành cần lắng nghe ý kiến của DN, đặc biệt là DN KHCN để tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn. Cần tạo diễn đàn để các DN trao đổi thông tin, nêu rõ những khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó có phương án tháo gỡ, tạo điều kiện để cùng nhau hợp tác phát triển.

Khó khăn nhiều bề, song vì sao DN của ông Lương Đăng Khoa có thể làm được? Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam là một trong hai DN dược phẩm của Bình Dương được sản xuất thuốc điều trị Covid-19, chắc hẳn đội ngũ kỹ thuật và cơ sở vật chất “không phải dạng vừa”. Xác nhận vấn đề này, ông Lương Đăng Khoa, cho biết: “Lợi thế của công ty là có đội ngũ cán bộ chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu. Công ty đầu tư công nghệ đồng bộ, đáp ứng được những yêu cầu của nghiên cứu và sản xuất, thuận lợi nữa là công ty chuyên về dược phẩm. Việc nghiên cứu và phát triển nghiên cứu là tất yếu của sản xuất. Bên cạnh đó, quy trình nghiên cứu, ghi chép, tổng hợp các dữ liệu cũng cần sát với các yêu cầu của các ngành chức năng và được làm thành thạo”.

Lợi thế nghiêng về các DN lớn, có công nghệ và đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Còn DN nhỏ, họ sẽ gặp những khó khăn gì? Chúng tôi đem trăn trở này gặp ông Nguyễn Văn Cứ, Giám đốc Công ty TNHH SXTMDV Hoa Dược Thảo (TP.Dĩ An) - một DN vừa được cấp giấy DN KHCN. Ông Cứ xác nhận đó là một hành trình rất vất vả, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, điều đó không phải là không thể. Nếu nghiên cứu đã có, điều cần nhất phải là sự tâm huyết, mong muốn sản phẩm được công nhận.

Khó chồng khó!

Đầu tư, nghiên cứu sản phẩm và các thủ tục chứng minh đã gian nan, nhưng chưa phải là tất cả. Khi đã trở thành DN KHCN, tuy môi trường hoạt động có nhiều thuận lợi, nhưng DN KHCN vẫn còn phải đương đầu với khá nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm mới vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, cơ sở vật chất cho hoạt động KHCN của các DN còn yếu, thiếu vốn đầu tư hoặc không thuê được đất để mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh…

Ông Mai Quốc Ấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gạch ống không nung Ngôi Sao Bình Dương (TX.Tân Uyên), cho biết: “Thực tế sản xuất khác so với chính sách khi nguồn vốn KHCN quá nhỏ để tổ chức sản xuất lớn, thủ tục rườm rà, định giá cho vay ưu đãi không cập nhật giá thị trường, việc hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp (3,5-6%/năm) hay miễn giảm tiền thuê đất lại gặp khó khăn ở nhiều địa phương”.

Chuyện khó khăn không chỉ dừng lại ở mặt khách quan. Ông Lương Đăng Khoa cho rằng để bước đi trên con đường đó, chính các DN cũng cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức, các DN trong và ngoài nước để nâng cao năng lực. Đồng thời phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm cơ sở để xây dựng và phát triển DN bền vững. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải có chính sách sát sườn hơn, trong đó các cơ quan, ban ngành cần tạo cầu nối để kịp thời tháo gỡ những khó khăn của DN; hỗ trợ DN hiểu rõ, hiểu đúng những tiêu chí cần có để nhận được các chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, cần tạo ra nhiều điều kiện hơn cho DN đầu tư tài chính ở những lĩnh vực khó khăn và có chi phí lớn. (Còn tiếp)

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên