Để phát triển bền vững, Bình Dương đang tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung huy động tổng nguồn lực vào đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, coi trọng phát triển thương mai, dịch vụ (TM-DV) chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tòa nhà WTC Tower đi vào hoạt động, cung cấp thêm nhiều lựa chọn dịch vụ chất lượng cao tại thành phố mới Bình Dương
Nhiều kết quả tích cực
Theo dự thảo báo cáo sơ kết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua 2 năm thực hiện Chương trình số 20-Ctr/TU, chất lượng của các dịch vụ như logistics, viễn thông, ngân hàng, xuất nhập khẩu... ngày càng cải thiện; lĩnh vực cấp nước, thoát nước, giao thông - vận tải, cấp điện, nhà ở phát triển khá đồng bộ, lĩnh vực văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển.
Kết quả đến cuối năm 2022, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 22,8% trong cơ cấu kinh tế (tăng 0,3% so với năm 2021) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng. Tăng trưởng bình quân khu vực dịch vụ đạt 6,89%/năm, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 5,47%/năm. Tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 9,9%/năm. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa chiếm khoảng 69,33%. Dịch vụ logistics có nhiều khởi sắc, đã hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ logistics tương đối hoàn chỉnh, cung cấp dịch vụ logistics đạt mức độ 3PL và 4PL…
Tỉnh đang xây dựng đề án y tế thông minh, hiện có 17,2% các bệnh viện trên địa bàn tỉnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh qua các ứng dụng ICT. Số giường bệnh đạt 19,7 và số bác sĩ đạt 7,51 bác sĩ trên 1 vạn dân. Giải quyết việc làm cho 52.697 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%, lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 32%.
Theo ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch cụ thể theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Tỉnh ủy về tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Theo đó, tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, phấn đầu đến năm 2025 chiếm 28%, giá trị gia tăng ngành dịch vụ bình quân hàng năm khoảng 11%... Sở tập trung nguồn lực phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao thuộc lĩnh vực thương mại hiện đại, logistics, các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp... góp phần dẫn dắt và hỗ trợ phát triển công nghiệp, đô thị, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững, toàn diện trên tất cả lĩnh vực.
Phát triển đúng định hướng
Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, có thể thấy rõ, cùng với công nghiệp, lĩnh vực phát triển đô thị, TM-DV của tỉnh đang có những chuyển biến tích cực. Việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, dịch vụ quan trọng gắn với phát triển thành phố thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Một số ngành dịch vụ chất lượng cao, có tiềm năng đang từng bước hình thành và phát triển. Các ngành tài chính ngân hàng, logistics, thương mại điện tử, nhà ở, xuất nhập khẩu, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin... tiếp tục có bước phát triển mạnh, nâng cao chất lượng.
Hiện nay, thành phố mới Bình Dương đã và đang làm tốt vai trò hạt nhân trong việc phát triển kinh tế cân bằng nhằm thu hẹp khoảng cách về tỷ trọng giữa công nghiệp và TM-DV trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trên nền tảng dịch vụ và cách thức Bình Dương kết nối với thế giới. Các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế… đã được tổ chức tốt, cùng với sự tập trung nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cốt lõi đã phát huy tác dụng lan tỏa, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư ở những lĩnh vực mới trong phát triển công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp dân cư.
Bình Dương đang nỗ lực tập trung thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạtầng đồng bộ, tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, thành phố mới Bình Dương sẽ là trung tâm để kết nối các phân khu trong vùng đổi mới sáng tạo cũng như kết nối với các tỉnh, thành, thúc đẩy lĩnh vực TM-DV chất lượng cao phát triển.
NGỌC THANH