(BDO) Châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng đang ngày càng phát triển mạnh về kinh tế, tiếp tục đóng góp quan trọng vào nền kinh tế toàn cầu. Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 diễn ra tại Bình Dương, nhiều giải pháp về vấn đề thúc đẩy thương mại, phát triển chuỗi cung ứng đầu tư; mở rộng hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Á và trên toàn thế giới đã được các diễn giả thảo luận sôi nổi…
Toàn cảnh phiên họp đối thoại với chủ đề “Đầu tư tác động châu Á”
Mở rộng thu hút đầu tư tác động
Tại phiên đối thoại với chủ đề “Đầu tư tác động châu Á”, các diễn giả đã thảo luận về vấn đề khi các công ty châu Á lớn mạnh và tiếp cận thị trường tài chính để tái cấp vốn sẽ có cơ hội cho các nhà đầu tư tác động. Theo các diễn giả, cần phải có những chiến lược, giải pháp cho các vấn đề, như: Làm thế nào để tạo ra giá trị ổn định và bền vững; đầu tư tác động có thể thay đổi kết cấu kinh tế và xã hội của châu Á như thế nào; làm thế nào để truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư chuyển từ lý thuyết sang thực hành thúc đẩy cơ hội hành động…
Chia sẻ vấn đề làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Marko Kasic, Người sáng lập FundLife International (Philippines), cho biết các doanh nhân ở Việt Nam phải hiểu vấn đề của mình và họ có thể chứng minh sự cần thiết, cấp bách của vấn đề đó, đặc biệt nếu họ đang xem xét về đầu tư tác động. Ông nhấn mạnh hầu hết các nhà đầu tư đều muốn thấy một số lợi tức rõ ràng từ số vốn họ bỏ ra, nhưng họ cũng muốn thấy các lợi tức từ tác động tích cực đến xã hội. Vì vậy, theo ông các nhà đầu tư cần có một giải pháp tốt và sau đó đưa ra một hoặc nhiều nghiên cứu điển hình mang tính thuyết phục rõ ràng về lý do tại sao họ nên đầu tư vào Việt Nam.
Thực tế, các nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến các thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam có rất nhiều cơ hội tăng trưởng, là đất nước đang phát triển. Ông đánh giá Việt Nam là một thị trường nhiều triển vọng và xu hướng sử dụng năng lượng xanh là lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư hiện nay. Vì vậy, có rất nhiều sự quan tâm đến năng lượng với cách tiếp cận bền vững hơn.
Các diễn giả thảo luận tại phiên đối thoại “Đầu tư tác động châu Á”
Ngoài ra, giáo dục cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những đối tác của FundLife International, tất nhiên còn có các dịch vụ và du lịch. Có thể nói, dịch vụ, khách sạn, giáo dục và năng lượng là những lĩnh vực rất thú vị đối với hầu hết các nhà đầu tư. Lĩnh vực này ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.
Cũng theo ông Marko Kasic, để công ty khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư tài trợ, họ cần tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, cần đưa ra những đề xuất, kế hoạch hấp dẫn. Vì vậy, giống như bất kỳ doanh nghiệp nào, họ cần có đề xuất và cần đến gặp các tổ chức phù hợp. Chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Quỹ Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Theo ông Tadahiro Kaneko, Phó Giám đốc Phát triển bền vững, Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (Nhật Bản), để thực sự mở rộng đầu tư tác động, việc thiết lập một khuôn khổ phù hợp cho các KPI (chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động) là rất quan trọng, tất cả khuôn khổ để đo lường tác động cần phải được hỗ trợ bởi cơ sở khoa học và đánh giá của bên thứ ba. Vì vậy, các tổ chức tài chính của Nhật Bản đã và đang cố gắng tiếp tục thiết lập một khuôn khổ tiêu chuẩn và mang tính thuyết phục để đo lường các tác động.
Để tạo ra giá trị bền vững, theo ông Tadahiro Kaneko, điều quan trọng là phải đưa ra các KPI đáng tin cậy và có thể đo lường được, bên cạnh lợi nhuận bằng tiền mặt.
Đa dạng hóa nền kinh tế
Phiên đối thoại với chủ đề “Ảnh hưởng châu Á trong gián đoạn cục bộ chuỗi cung ứng toàn cầu” đã thu hút sự quan tâm của các diễn giả. Theo nhận định của nhiều diễn giả, các sự kiện cục bộ đôi khi nổ ra và gây ra nhiều gián đoạn, sau đó tất cả các dịch vụ trở nên quá tải. Gần đây, hệ thống tài chính toàn cầu bị mất ổn định sau đại dịch Covid-19 và có khả năng phát triển thành suy thoái kinh tế trên toàn thế giới.
Toàn cảnh phiên cập nhật “Hợp nhất chuỗi cung ứng châu Á”
Thảo luận xung quanh những vấn đề như: Các khu vực, quốc gia và doanh nghiệp địa phương có thể thiết lập khả năng phục hồi như thế nào; làm thế nào để củng cố các dự án công cộng, tư nhân để chống lại các hiện tượng thiên nga đen; vai trò của ASEAN trên khắp Đông Nam Á để giảm lây nhiễm kinh tế là gì… diễn giả Nobumitsu Akai, Giám đốc Tập đoàn JFR (Nhật Bản), cho rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng vừa tạo cơ hội và thách thức cho sự phát triển kinh tế. Việc gián đoạn giúp đa dạng hóa nền kinh tế toàn cầu, kinh tế tuần hoàn, tạo ra đa dạng hóa nền cung ứng. Đây cũng chính là chìa khóa, cơ hội để mỗi quốc gia đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Theo ông, Việt Nam có một nền kinh tế tốt, trong đó nền kinh tế Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp nhỏ. Ông tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục thành công và tận dụng được đà phát triển.
Diễn giả Francis Schortgen, Phó trưởng khoa, Đại học Utah cơ sở châu Á (Hàn Quốc), cho rằng sức mạnh đàm phán của các bên sẽ là giải pháp tốt hơn để giảm sự ảnh hưởng kinh tế do gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra. Ngoài ra, mỗi quốc gia cần có giải pháp để ít phụ thuộc vào quốc gia khác về chuỗi cung ứng. Với nền kinh tế tuần hoàn, mỗi quốc gia sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào chủ thể, đồng thời ứng dụng công nghệ blockchain sẽ tạo gắn kết tốt hơn.
Tại phiên cập nhập với chủ đề “Hợp nhất chuỗi cung ứng châu Á”, trao đổi về vấn đề làm sao để Việt Nam nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung trở thành những quốc gia phát triển hàng đầu chuỗi cung ứng, ông Bradley C.LaLonde, Đối tác quản lý, Vietnam Partners (Việt Nam), chia sẻ giáo dục là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng để phát triển. Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều bộ môn liên quan đến chuỗi cung ứng; có nhiều chương trình giáo dục từ xa, dạy trực tuyến. Đáng chú ý, chương trình quản trị chuỗi cung ứng, quản trị mạng, logistics… là những ngành học đang tiếp tục được học sinh, sinh viên ở Việt Nam lựa chọn trong thời gian tới.
Diễn giả tham luận tại phiên cập nhật “Hợp nhất chuỗi cung ứng châu Á”
Thảo luận về vấn đề chính sách phát triển chuỗi cung ứng, ông Asif Iqbal, Chủ tịch Tổ chức Thương mại kinh tế Ấn Độ (IETO), đánh giá Bình Dương là tỉnh đã xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển rất tốt; có môi trường đầu tư tốt, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Để tạo thuận lợi cho Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển các chuỗi cung ứng, theo ông, Chính phủ Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục hơn nữa để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia; tăng tính minh bạch; tập trung xây dựng kỹ năng số cho người lao động để tăng cường kết nối với chuỗi cung ứng.
Đề xuất về chiến lược phục vụ mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng đối với từng quốc gia châu Á, theo ông Asif Iqbal, mỗi quốc gia cần tăng cường tính kết nối, tính chống chịu với các quốc gia toàn cầu. “Việt Nam là một thị trường mở, theo tôi Việt Nam cần tìm một điểm cân bằng để phát triển và mở rộng ra toàn cầu. Các nước châu Á cần kết nối với nhau trước hết trước khi kết nối với các nước ở châu lục khác. Các công ty cần xây dựng các mô hình ứng dụng IOT, sử dụng các dữ liệu lớn như Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuỗi cung ứng mang tính chống chịu tốt hơn, thích nghi tốt hơn hay việc quản lý tồn tại kho và sử dụng các công nghệ này. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp theo dõi được sự cố xảy ra tốt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường hiệu suất trong vận hành”, ông Asif Iqbal chia sẻ.
Chia sẻ về những thuận lợi và thách thức trong việc thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Peter Portheine, Giám đốc phát triển Tập đoàn Brainport, thành viên Ban Điều hành Thành phố thông minh Bình Dương, nhận định: Trong sự phát triển gần đây của Việt Nam, một lợi thế lớn của Việt Nam là có rất nhiều công ty sản xuất tại đây, nhưng tất cả họ đều phải bước lên một tầm cao phát triển mới. Vì vậy, điều quan trọng là nhà đầu tư phải tận dụng tất cả những hoạt động kinh doanh hiện có này để có thể giúp những người trẻ cùng khởi nghiệp. Nhà đầu tư có thể làm công việc cố vấn bằng cách sử dụng các doanh nhân địa phương để giúp đỡ và cố vấn cho những người mới khởi nghiệp tìm đường hướng hoạt động kinh doanh. Nhiều công ty sản xuất cũng cần nhà khởi nghiệp để đưa ra những ý tưởng mới mà họ không thể tự phát triển. Đồng thời, họ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và mua lại công nghệ, sử dụng nó cho sản phẩm của mình. Vì vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa giáo dục và phía doanh nghiệp để giúp các bạn trẻ khởi nghiệp trở thành doanh nhân thành đạt. |
PHƯƠNG LÊ