Thúc đẩy thị trường thông qua thương mại điện tử

Cập nhật: 19-12-2022 | 10:26:39

Với việc đẩy mạnh giao thương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) đã có bước phát triển nhanh chóng và trở thành một phương thức hữu hiệu để các DN Bình Dương phát triển thị trường trong nước và mở lối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mở lối thị trường

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, trong suốt thời gian qua, chính quyền tỉnh đã và đang nỗ lực đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tái khôi phục sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nhanh TMĐT trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực, dựa trên nền tảng số, công nghệ mới; coi TMĐT là công cụ quan trọng để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại của tỉnh tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước trong giai đoạn tới.


Tỉnh Bình Dương tạo điều kiện để các đối tác gặp gỡ, trao đổi, hợp tác phát triển thị trường thương mại điện tử

Trao đổi với chúng tôi, trung tá Đặng Văn Nhiên, Giám đốc Chi nhánh Vietiel Bình Dương, khẳng định xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng trên toàn cầu đã có sự thay đổi rõ rệt theo sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, cùng với biến động do dịch bệnh Covid-19 gây ra, trong đó TMĐT trở thành xu thế kinh doanh của thương mại toàn cầu. Viettel đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành phương án để các nhà sản xuất, kinh doanh tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thói quen mua sắm đang có sự chuyển biến mạnh mẽ từ mua hàng truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Hiện nay, Viettel đang tích cực làm việc với các sở ngành của tỉnh để phối hợp cung cấp những giải pháp tạo ra nền tảng phát triển TMĐT cho các DN trong toàn tỉnh.

Cụ thể, Viettel nỗ lực cung cấp các giải pháp tương tác, tích hợp với các hệ thống bảo đảm an toàn thông tin và quản lý vận hành khác trong hệ thống thông tin, thu thập dữ liệu về các mối đe dọa bảo mật từ nhiều nguồn và phản ứng với các sự cố an toàn thông tin ở mức thấp mà không cần sự trợ giúp của con người, giúp tối ưu nguồn lực và nâng cao hiệu quả việc giám sát xử lý sự cố an toàn thông tin cho DN.

Viettel cũng có những ứng dụng, trong đó ứng dụng gọi xe và giao hàng trực tuyến MyGo là nền tảng vận chuyển đa phương thức, cung cấp các dịch vụ chở người, giao hàng bằng các phương tiện xe máy, ô tô, xe tải; MyGo tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội về nhân lực, vật lực để đáp ứng nhu cầu giao hàng và di chuyển trên cả nước. “Ngoài ra, Viettel có sàn TMĐT Vỏ sò là nền tảng giúp khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến dễ dàng, an toàn và nhanh chóng khi trở thành nhà bán hàng trên sàn Voso.vn, các cá nhân DN có thể tiếp cận khách hàng lớn nhất Việt Nam với hơn 60 triệu thuê bao di động Viettel, hơn 12 triệu khách hàng chuyển phát tại Bưu cục Viettel Post. Bên cạnh đó, phần mềm quản lý bán hàng ViettelSale là nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh được phát triển bởi đội ngũ nhân sự tinh hoa, giàu kinh nghiệm cùng nguồn vốn đầu tư lớn thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel…”, Giám đốc Viettel chi nhánh Bình Dương nói.

Lực đẩy cho xuất khẩu

Ông John McCarthy, Giám đốc Điều hành cảng Tacoma (Hoa Kỳ), khẳng định hàng nhập khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới khi các nhà đầu tư và DN Hoa Kỳ nhận ra tiềm năng và năng lực sản xuất của Việt Nam. Hơn 70% hàng hóa đóng container quốc tế di chuyển qua cảng Tacoma được dành cho các khu vực miền Trung và miền Đông của Bắc Mỹ. Cảng Tacoma xử lý gần như toàn bộ (80%) hàng hóa đường biển đi lại giữa Hoa Kỳ và bang Alaska. Với một bến cảng nước sâu tự nhiên, các dịch vụ từ hai tuyến đường sắt chính và quỹ đất dồi dào có sẵn để mở rộng, cảng Tacoma ngày càng hấp dẫn cho thương mại quốc tế. Trong thời gian tới, phía cảng Tacoma sẽ nỗ lực hỗ trợ các DN nhỏ và vừa của Hoa Kỳ và Việt Nam tăng cường kết nối, thông qua những nền tảng công nghệ, thúc đẩy TMĐT, tạo điều kiện để hành hóa của các DN có thể trao đổi giao thương.

Về phía các đối tác Ấn Độ, ông Anil Agarwal, Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Telangana (FTCCI), cho biết Ấn Độ sẽ có những nỗ lực để kết nối các DN Telangana và Bình Dương với nhau. Tuy nhiên, để Bình Dương và các DN có thể hiểu rõ hơn về những lĩnh vực đang phát triển của bang, ông có lời mời lãnh đạo tỉnh và các DN Bình Dương đến thăm và làm việc tại bang Telangana, để hai bên có thể có thêm những cơ hội hợp tác. Sau đó, bằng sự tin tưởng hiểu biết sẵn có sẽ tăng cường hợp tác phát triển thông qua nền tảng TMĐT. Hiện bang Telangana của Ấn Độ có trên 3.500 DN thuộc tất cả các ngành nghề khác nhau. Do đó, cơ hội phát triển song phương giữa hai bên là rất lớn, không chỉ phát triển xuất khẩu hàng hóa mà còn góp phần phát triển sâu rộng và toàn diện năng lực của các bên.

Ông Miguel Angel Landeros Volquarts, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương miền Tây Mexico (COMCE), khẳng định: “Trong 10 năm trở lại đây, mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mexico đã có bước phát triển vượt bậc. Ngoài các quốc gia lớn tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ, các DN Mexico đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam và mong muốn hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển mới với các DN Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Tôi sẽ tích cực tạo điều kiện cho các DN tỉnh Bình Dương và Mỹ Latinh gặp gỡ, tiếp xúc và tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh; đồng thời, thời gian tới sẽ tổ chức thêm các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương giữa hai bên qua các nền tảng TMĐT, thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương trên nền tảng số”.

TIỂU MY - VĂN PHÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên