Thúc đẩy ứng dụng công nghệ, phát triển công nghiệp bền vững

Cập nhật: 15-06-2022 | 08:08:05

Với quyết tâm xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, phát triển nền sản xuất thông minh, bền vững, Bình Dương đang đẩy mạnh thu hút, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh.

 Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Servo Dynamics Engieering tại triển lãm VIFM 2022

 Động lực phát triển mới

Bình Dương vươn tầm vóc quốc tế không chỉ với danh tiếng là một khu vực tốt để sống và làm việc mà còn được chú ý đến với hình ảnh một thành phố thông minh. Ở đó, cơ quan chính quyền, các đối tác cùng hợp tác chặt chẽ với nhau để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và DN, bằng cách sử dụng công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Có thể thấy đề án thành phố thông minh thể hiện ý chí rất lớn của Bình Dương trong việc tìm kiếm động lực phát triển mới, lấy con người mới, với kỹ năng mới, hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), tạo giá trị gia tăng mới, trực tiếp đóng góp vào việc gia tăng năng suất lao động và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trong thời gian tới, Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao. Cùng với đó là thu hút dịch vụ tài chính, logistics, các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là thu hút đầu tư vào khu công nghiệp KHCN trên nền tảng công nghiệp 4.0 từ các nước phát triển, đối tác tiềm năng hàng đầu thế giới với trình độ quản trị hiện đại, công nghệ cao. Khu công nghiệp KHCN là trọng tâm phát triển của Đề án Vùng ĐMST Bình Dương. Với tầm nhìn trở thành trung tâm ĐMST của vùng, khu công nghiệp KHCN mang đến một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động thâm dụng công nghệ và tri thức.

Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “ĐMST đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư công nghệ cao, tiêu biểu là Vùng ĐMST của Becamex IDC với vị trí địa lý tốt. Đặc biệt, khu Trung tâm WTC Complex là một điểm quy hoạch sáng về KHCN, ĐMST để thu hút đầu tư công nghệ cao”. Ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc công nghệ Công ty Takako Việt Nam, chia sẻ: “Qua đại dịch Covid-19 chúng tôi càng thấy được vai trò quan trọng của IoT, của công nghệ, tự động hóa trong tất cả các bước. Phát triển công nghệ giải quyết các vấn đề rất lớn trong sản xuất, kinh doanh. Hiện chúng tôi đang tập trung kết nối các Line, thúc đẩy IoT và hướng tới xây dựng một nhà máy thông minh”.

Hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ

Trong giai đoạn mới, Bình Dương mong muốn trở thành Vùng ĐMST, do vậy việc ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất là một trong những vấn đề chính yếu mà tỉnh rất quan tâm. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đột phá, chuyển đổi nhiều lĩnh vực, đi đầu là công nghiệp. Để tạo ra bước đột phá trong thu hút các DN sản xuất công nghệ cao, phát triển công nghiệp theo hệ sinh thái kiểu mới, công nghiệp xanh, Bình Dương đã triển khai nhiều chính sách, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

UBND tỉnh vừa phối hợp tổ chức triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam - Vietnam Industrial and Manufacturing Fair 2022 (VIMF) tại Trung tâm Triển lãm quốc tế (WTC EXPO). Triển lãm là cơ hội để các DN trong và ngoài nước, nhà sản xuất, nhà đầu tư tiếp cận khách hàng, mở rộng mối quan hệ, dễ dàng tìm đối tác kinh doanh, nhà cung ứng phù hợp. Từ đó, góp phần phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu gia tăng sản xuất theo định hướng công nghệ cao, giao thương mạnh mẽ hiện nay.

Ông Huỳnh Quang Nhung, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh THACO Industries, cho biết: “Thông qua triển lãm, THACO Industries mong muốn mở rộng kết nối với các DN trong và ngoài nước nhằm tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước khẳng định vai trò và tầm vóc của một DN sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ hàng đầu Việt Nam. Năm 2022, THACO Industries đặt mục tiêu doanh thu hơn 13.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2021, trong đó xuất khẩu hơn 270 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 5 lần năm 2021. Công ty đã đề ra kế hoạch toàn diện, từ đầu tư công nghệ lõi, phát triển đa dạng sản phẩm đến quản trị theo hướng số hóa”.

Sick là tập đoàn đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, có rất nhiều giải pháp cho nhiều ngành công nghiệp 4.0, công nghệ IoT. Tại triển lãm vừa qua, Sick đã giới thiệu công nghệ Robot tích hợp hệ thống camera cũng như hệ thống an toàn cho Robot, tích hợp lên hệ thống IoT của nhà máy và hệ thống tự động hóa của nhà máy. Ông Phạm Vũ Trung, Giám đốc Công ty Sick tại Việt Nam, cho biết: “Tham gia triển lãm, Sick mong muốn mang đến cho các DN những giải pháp công nghệ cảm biến giúp giảm bớt sự phức tạp của các quy trình sản xuất hiện tại, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng”.

Đến từ TP.Hồ Chí Minh, Công ty Servo Dynamics Engieering (Segapore) tập trung vào lĩnh vực tự động hóa và các công nghệ mới, mang đến những giải pháp về robot cộng tác. Đây là dòng robot tiên tiến nhất phục vụ cho việc phối hợp với con người để thực hiện các nhiệm vụ sản xuất trong nhà máy. Ông Nguyễn Đức Hùng, Quản lý sản xuất Công ty Servo Dynamics Engieering, cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ xuất phát từ thực tiễn các đơn vị sản xuất đều muốn đưa sản phẩm của mình ra thị trường nhanh hơn, chi phí phải tốt nhất và ổn định hơn, nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, qua cải tiến ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất sẽ cho phép DN bảo trì được hệ thống máy ưu việt hơn, chi phí giảm đi nhiều”.

  PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên