Thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu

Cập nhật: 02-08-2011 | 00:00:00

Từ nay đến cuối năm, tình hình sản xuất, thương mại sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, góp phần hoàn thành mục tiêu cuối năm. Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh đã cho biết như vậy tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày hôm qua (1-8) do Bộ Công Thương tổ chức.

Theo Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, thời gian qua, các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã khắc phục những khó khăn về tỷ giá, tiếp cận các nguồn vốn trước những biến động về giá cả, bảo đảm sản xuất và cung ứng các nguồn hàng cho thị trường. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp dù đã tăng trưởng nhưng bước đầu vẫn gặp khó khăn ở khâu vay vốn, chi phí đầu vào, đầu tư chậm... Các biện pháp ổn định tình hình chưa đủ mạnh, còn nặng về hành chính nên các đơn vị cần phải nỗ lực hơn nữa để có biện pháp cụ thể quyết liệt hơn.

Ông Nguyễn Tiến Vị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho hay, 3 tháng trở lại đây, hoạt động sản xuất công nghiệp biến động thất thường do ảnh hưởng của giá các loại hàng hóa, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng. Cùng đó, lãi suất ngân hàng lại tăng cao, gây trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; sức mua trong nhân dân lại giảm do tiết kiệm chi tiêu... Những khó khăn này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khá nhiều: chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 so với tháng 3 là 3,5%; tháng 5 so với tháng 4 là 3,1% và tháng 6 so với tháng 5 là 4,6%. Chính vì thế, trong tháng 7 mặc dù tình hình tuy có khá hơn (với tốc độ tăng là 6,1% so với tháng 6) nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi đối với sản xuất công nghiệp.

Bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, hiện nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang trong quá trình bảo dưỡng nên cũng đã có kế hoạch để bảo đảm nguồn. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, sản lượng tiêu thụ trong nước giảm lớn do nhu cầu yếu, ước tháng 7 chỉ bằng 64 - 65% tháng cao nhất trong quý I nhưng kinh doanh có lãi. Đó là bài toán nan giải cho tổng công ty. Vì khi bán lỗ nhưng lượng bán ra lại tăng rất cao còn nay có lãi thì lượng bán lại giảm. Điều này đã gây ra lúng túng trong điều hành của Petrolimex dẫn dến lượng tồn kho xăng dầu cao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của tổng công ty phải duy trì tồn kho 30 ngày, phải bảo đảm kế hoạch nhập khẩu ổn định khi thị trường thay đổi. Khi thị trường chững lại, có thời công ty tồn kho trong hơn 40 ngày với 30%. Hiện nay, vấn đề nguy hiểm là dư nợ bình quân đến đầu tháng 4 tưởng chừng được giải quyết, lượng ngoại tệ mua được thường xuyên. Nhưng đến đầu tháng 6 ngoại tệ khó và không mua được. Hiện nay, công ty đang âm 2.000 tỷ đồng chưa được xử lý.

Theo bà Trần Thị Thúy Hòa, Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện nay, khi giá cao su có xu hướng giảm, nhu cầu tăng chậm mà nguồn cung dồi dào, ngành cao su có lợi thế là đã có liên kết chặt chẽ với 3 nước sản xuất cao su lớn như Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Hy vọng Việt Nam có thể đạt được 3 tỷ USD trong năm nay, cao hơn so với năm 2010 là 1,2 tỷ USD.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, các chuyên gia thương mại đề xuất Bộ Công Thương cần tiếp tục tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin từ các địa phương, Hiệp hội Ngành hàng để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh việc xây dựng Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 trình Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; xây dựng dự thảo định hướng xúc tiến thương mại quốc gia năm 2012.

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh dự báo, sản xuất vẫn còn gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo do độ trễ của chính sách và giá cả. Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ có liên quan tạo điều kiện để các doanh nghiệp vay vốn dễ dàng; đặc biệt hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm xúc tiến hoạt động xuất khẩu, bên cạnh việc tổ chức hội thảo giới thiệu, tư vấn và tìm kiếm đối tác xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Mặt khác, để chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, ngành công thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn để góp phần bình ổn thị trường.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=342
Quay lên trên