Thúc đẩy xuất khẩu trong khó khăn, thách thức - Kỳ 1

Cập nhật: 07-02-2023 | 05:33:12

Kỳ 1: Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng

 Để giữ vững mục tiêu xuất khẩu của tỉnh năm 2023 tăng 9% so với năm 2022, doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực giữ vững mục tiêu, phát triển xanh gắn với việc tìm đến các thị trường mới, tiềm năng.

 Nhiều DN ngành dệt may đã có đơn hàng đến tháng 6-2023. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Esprinta Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần II, TP.Dĩ An)

Tận dụng cơ hội

Năm qua, Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD, riêng Bình Dương đạt 9,2 tỷ USD, chiếm trên 80% của cả nước. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Bình Dương có được kết quả xuất siêu ấn tượng đến từ năng suất lao động và DN liên tục cải tiến công nghệ. Bên cạnh đó, DN đã tận dụng được nguồn nguyên vật liệu trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Với tư duy năng động, các DN đã biết tận dụng cơ hội đến từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, cùng với sự hỗ trợ linh hoạt của chính quyền địa phương để có biện pháp ứng phó kịp thời với những thay đổi từ thị trường nhiều biến động.

Tháng 1-2023, do nghỉ Tết Nguyên đán, cộng thêm việc một số ngành xuất khẩu chủ lực bị giảm đơn hàng vào các tháng cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 2,584 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước và giảm 25,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,816 tỷ USD, giảm 9,1% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ. Không vì khó khăn mà lùi bước, để duy trì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 9% so với năm 2022, các ngành, cộng đồng DN đã nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tín hiệu vui ngay từ những ngày đầu năm đối với ngành dệt may khi rất nhiều DN trong ngành đã có đơn hàng từ 3 - 6 tháng, kéo theo triển vọng xuất khẩu của ngành trong năm 2023. Ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc lao động Công ty Esprinta Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần II, TP.Dĩ An), cho biết năm 2023, DN này vẫn giữ được đơn hàng theo kế hoạch đặt ra và hiện công ty cần tuyển dụng 800 lao động để đáp ứng đơn hàng tăng. Hiện công ty đã có đơn đặt hàng đến tháng 6-2023, kỳ vọng giữ vững tăng trưởng so với năm 2022.

Cũng trong tâm trạng phấn khởi, ông Đỗ Dương Hoài, Quản đốc Công ty ASG Vina (TP.Thuận An) cho hay đến nay hoạt động của công ty đã đi vào ổn định. Công ty đã có đơn hàng đến giữa năm 2023. Đây là điều rất đáng phấn khởi trong xu hướng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm. Công ty sẽ nỗ lực để giữ vững các đơn hàng, tiếp tục nhận được những đơn hàng mới.

Hiện nay, ngành dệt may khá nhạy cảm với biến động thị trường, thậm chí dễ tổn thương do phụ thuộc đơn hàng, phụ thuộc nguyên phụ liệu. Việc nâng cao giá trị gia tăng, củng cố chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro là vấn đề được DN dệt may quan tâm. Để giải quyết vấn đề này, DN dệt may tập trung hình thành chuỗi sản xuất trọn gói, phát triển sản xuất xanh, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, cơ cấu lại sản phẩm…

Lãnh đạo một số DN xuất khẩu cho biết để vượt qua khó khăn thách thức, DN kiểm soát chi phí, tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của nhãn hàng, nhu cầu thị trường. Ngoài ra, DN cũng đa dạng nguồn cung cấp nguyên liệu, tăng cường kết nối, sáng tạo giữa các DN trong nước để tăng tính chủ động, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu của một vài thị trường.

Hỗ trợ linh hoạt

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh, cho biết các DN ý thức được việc chia sẻ những khó khăn đối với khách hàng trong tình hình xuất khẩu có nhiều biến động. Từ năm 2022, khi có dấu hiệu khó khăn, DN đã nhanh chóng đầu tư máy móc công nghệ, tạo thuận lợi cho quá trình xuất nhập khẩu, đồng thời các hiệp hội ngành hàng gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó, DN tái cấu trúc giữa chi phí và doanh thu, đầu tư mạnh vào công nghệ để giảm nhân lực. Thứ ba là sự chia sẻ giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và các bên thương mại, tuy sụt giảm doanh thu nhưng vẫn giữ được lượng khách hàng, đơn hàng.

Với tư duy năng động, các DN trên địa bàn tỉnh đã biết tận dụng cơ hội đến từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, cùng với sự hỗ trợ linh hoạt của chính quyền địa phương để có biện pháp ứng phó kịp thời với những thay đổi từ thị trường nhiều biến động.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết đối với việc thúc đẩy xuất khẩu, trước hết tập trung nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh; tham mưu, điều hành theo sát biến động của kinh tế quốc tế, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới để hỗ trợ các hiệp hội, DN xuất nhập khẩu có sự chủ động khai thác cơ hội, ứng phó kịp thời các khó khăn, thách thứ; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, các nước thuộc Hiệp định CPTPP, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc khi quốc gia này đã mở cửa trở lại; đồng thời tích cực hỗ trợ các địa phương, DN chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, sự bền vững.

Được biết, hiện ngành công thương tỉnh nỗ lực kết nối, tận dụng vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức thường xuyên hội nghị giao ban giữa các cơ quan Thương vụ với các hiệp hội ngành hàng, DN để hỗ trợ mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và vượt qua các rào cản kỹ thuật để thâm nhập các thị trường mới. Lãnh đạo Sở Công thương khẳng định tỉnh tiếp tục tạo thuận lợi thương mại, cải cách thủ tục hành chính, chú trọng phát triển dịch vụ logistics, đổi mới công tác xúc tiến, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới để thúc đẩy xuất khẩu. (Còn tiếp)

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=318
Quay lên trên