Thực hiện “Chính phủ điện tử”: Tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp

Cập nhật: 18-04-2019 | 08:26:39

Nghị quyết 36a/NQCP của Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử nhằm minh bạch hóa các hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Đến năm 2019, các yêu cầu này được Sở Tài nguyên và Môi trường hiện thực hóa đã mang lại thuận lợi rất lớn cho người dân và doanh nghiệp.   

Áp dụng 26 dịch vụ hành chính công cấp độ 3

Đến thời điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã áp dụng dịch vụ công mức độ 3 đối với 26 thủ tục hành chính trên trang thông tin hành chính công của tỉnh; dự kiến đến năm 2020, số lượng dịch vụ hành chính công cấp độ 3, 4 sẽ được nâng lên 66 dịch vụ.

Tiện lợi mà dịch vụ hành chính công (Chính phủ điện tử) mang lại là người dân, doanh nghiệp đều có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Cụ thể, với dịch vụ này, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Như vậy, người dân, tổ chức chỉ phải đến duy nhất 1 lần để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan, đơn vị. Việc áp dụng dịch vụ công điện tử giúp cơ quan Nhà nước giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn. Qua đó, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính, đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ cán bộ công quyền.

Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý thông tin của người dân, doanh nghiệp qua mạng. Ảnh: DUY CHÍ

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết Chính phủ điện tử góp phần rất lớn trong việc thay đổi lề lối làm việc từ thủ công truyền thống hiệu quả thấp sang ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả làm việc. Qua đó, Nhà nước tiết kiệm được nguồn lực nhân sự, giảm lượng hồ sơ giấy, hiệu quả công việc tăng lên; cơ chế xin - cho không còn tồn tại, góp phần phòng chống tiêu cực, nhũng nhiễu. Tuy vậy, việc thực hiện dịch vụ này hiện cũng bộc lộ nhiều cái khó, như năng lực cán bộ công chức không đồng đều nên việc triển khai có lúc, có nơi còn chưa đạt tiến độ như mong muốn. Về phía người dân, doanh nghiệp cũng còn một bộ phận chưa mạnh dạn chuyển đổi do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về điều kiện, năng lực... Trong khi đó, để đầu tư xây dựng một dịch vụ công trực tuyến, nhất là những dịch vụ mức độ 3 rất tốn kém chi phí, thời gian và công sức.

Khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nguyên nhân chính mà người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà với dịch vụ hành chính công là do tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nên đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống, đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính. Một nguyên nhân nữa là việc tuyên truyền, phổ biến về lợi ích dịch vụ công này vẫn còn nhiều hạn chế...

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Theo các chuyên gia, nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện dịch vụ công trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản luật liên quan tới thanh toán điện tử cho các dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm môi trường giao dịch tin cậy và an toàn cho thanh toán phí dịch vụ. Cùng với đó, cần có văn bản pháp lý cho những quy định cụ thể về phương thức thanh toán, chẳng hạn thanh toán bằng thẻ: Có thể sử dụng thẻ tín dụng hay buộc phải dùng thẻ trả phí cho dịch vụ...

Ngoài trách nhiệm tự bảo mật tài khoản và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất mát do rò rỉ thông tin từ phía người tham gia các giao dịch trực tuyến, cơ quan chức năng cần bổ sung thêm các quy định pháp lý về thủ tục, trình tự xử lý khiếu nại và chính sách bảo hiểm giao dịch. Các trường hợp thông tin không chính xác hoặc nghi ngờ phạm pháp, lừa đảo hoặc vi phạm khác cần quy định về phong tỏa tài khoản, khóa truy cập tài khoản, ngừng cung cấp dịch vụ hoặc lập hồ sơ gửi cơ quan công an hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần có các quy định pháp lý về miễn trừ trách nhiệm hoặc cam kết khắc phục hậu quả của cơ quan quản lý dịch vụ công điện tử trong một số trường hợp như: Phần cứng, phần mềm hoặc mạng gặp sự cố và hoạt động không chính xác; các tình huống không lường trước như mất điện, hỏa hoạn, lũ lụt, trộm cắp, hỏng hóc thiết bị, bị tấn công bẻ khóa hoặc trong thời gian bảo trì hệ thống… Một vấn đề khác cần chú ý, đó là vấn đề bảo đảm an toàn và bí mật thông tin cá nhân của các dịch vụ công điện tử. Vì vậy, các chuyên gia an ninh mạng và công ty xây dựng phần mềm dịch vụ công trực tuyến cần lựa chọn phương án để hài hòa cả hai yếu tố này nhưng cũng cần có biện pháp phòng ngừa với những nguy cơ như: Bị đánh cắp dữ liệu, sai lệch kết quả, sửa đổi thông tin, giả mạo.

Hiện nay, hầu hết các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ trong ngân hàng, chứng khoán của các nước như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore đều sử dụng giải pháp chữ ký số cho các giao dịch điện tử. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020. Hiện Việt Nam chỉ có 11 dịch vụ trực tuyến ở mức độ 4. Mặc dù vậy, ứng dụng chữ ký điện tử trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến là xu hướng tất yếu tại Việt Nam khi số lượng các dịch vụ công điện tử ở mức độ 3, 4 đang được tập trung xây dựng ngày càng nhiều.

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=752
Quay lên trên