Thực hiện chương trình hành động số 68 của Tỉnh ủy: Chủ động ứng phó trước biến đổi khí hậu

Cập nhật: 11-11-2013 | 00:00:00

Những tác động nặng nề của việc biến đổi khí hậu (BĐKH) đang hiện diện ngày càng rõ ràng. Chính vì thế, việc thực hiện Chương trình hành động số 68 của Tỉnh ủy phải sớm và quyết liệt để giữ thế chủ động cao trước những biến đổi khôn lường của khí hậu.

Hậu quả nhãn tiền

Chuyện BĐKH, ô nhiễm môi trường không chỉ là việc đã được nói, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nữa, mà nó đã hiển hiện ngay trong các biến cố thiên tai, lũ lụt trên khắp địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, các địa phương ven sông Sài Gòn từ Phú An (Bến Cát) đến tận Vĩnh Phú (TX.Thuận An) đã oằn mình gánh chịu hậu quả nặng nề của 4 đợt triều cường dâng cao gây ngập lụt lớn.

Đợt triều cường ngày 7-11 gây ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Một tuyến đường ở xã Bình Nhâm (TX. Thuận An) bị ngập ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân

Ngày 6-7, áp thấp nhiệt đới kèm triều cường đạt đỉnh 1,70m đã khiến hàng loạt xã, phường ven sông Sài Gòn chìm ngập trong nước. Ông Nguyễn Văn Hùng (xã An Sơn, TX.Thuận An), cho biết: “Năm nay gia đình tôi chủ yếu lo… chạy lũ. Hễ triều cường dâng cao kết hợp mưa lớn là gây ngập lụt. Mỗi lần như thế trong gia đình từ già trẻ lớn bé đều phải lo di chuyển đồ đạc, ứng phó với nước ngập. Đã vậy, vườn tược, cây trái đều bị ảnh hưởng nặng nề, không còn cho năng suất cao như trước”. Nhiều bậc cao niên ở các vùng ven sông Sài Gòn cho biết, chưa bao giờ triều cường lại gây úng lụt lớn như trong thời gian vừa qua. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng trong vòng 50 năm trở lại đây, chưa bao giờ triều cường lại lớn như vậy. Dễ nhận ra điều đó khi thấy sự “lạc hậu” của hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu. Đê bao này là công trình đầu tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số vốn 140 tỷ đồng, được thi công từ năm 2003 nhưng đến nay đã liên tục nằm dưới đỉnh triều. Dù tỉnh đã có phương án khẩn cấp gia cố và tôn thêm vài chục cm nhưng vẫn không theo kịp mức nước ngày càng cao.

Tuy nhiên, BĐKH không chỉ là chuyện tăng cao của mức triều cường, là chuyện ngập úng mà Bình Dương đang phải vất vả chống đỡ; mà còn là chuyện con người đang bị ô nhiễm hàng ngày bởi môi trường không khí, bên cạnh là bão đang có vẻ như ngày càng di chuyển xuống phía Nam nhiều hơn; năng suất một số cây trồng giảm sút, thậm chí mất đi do chính sự BĐKH ngày càng nghiêm trọng.

Chủ động sớm, giảm hậu họa

Như đã nói ở trên, tác động lớn nhất và đã diễn ra từ BĐKH tại Bình Dương chính là việc hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu không thể theo kịp sự dâng cao của đỉnh triều. Theo tính toán, nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao theo tốc độ chóng mặt như hiện nay, một số khu vực ven sông Sài Gòn của Bình Dương sẽ “nằm” trong nước. Đó là chưa kể đến những tác động to lớn khác đến môi trường sinh thái, đời sống con người…

Đứng trước tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động số 68-CTtr/TU thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 nhằm chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp thông qua dự thảo kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 68.

Kế hoạch đưa ra nhằm xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cần tổ chức thực hiện để giúp tỉnh chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm khí thải nhà kính… Qua đó, Bình Dương không chỉ ứng phó hiệu quả với thiên tai, bão lụt mà còn bảo đảm được sự đa dạng sinh học, bảo đảm chất lượng môi trường sống, góp phần tích cực vào việc hoàn thành mục tiêu là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam cho biết: “Bình Dương sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác ứng phó với biến đổi môi trường. Các sở ngành liên quan cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch, xác định năng lực và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH để bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, ổn định tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh”. Cũng theo ông Nam, Bình Dương sẽ sớm phát triển mạnh nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp để giúp người dân thích ứng nhanh với BĐKH.

Ông ĐỖ THANH SỬ, Trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An: Các đê bao hiện hữu đã lạc hậu

Qua hai đợt triều cường trong tháng 10 và 11-2013, mực nước triều cường đã cao vượt mức trung bình, nhiều đê bao chống ngập trên địa bàn TX.Thuận An nước đã tràn bờ. Đây là nguyên nhân chính gây ngập úng các xã ven sông Sài Gòn và cũng là vấn đề thực tế cảnh báo rằng, các đê bao hiện hữu đã lạc hậu. Theo tôi, đây là vấn đề nhìn thấy do tác động của BĐKH. Do vậy, để giải quyết bài toán dài hơi này, trước mắt, Ban Chỉ huy PCLB thị xã kiến nghị các địa phương, các cơ quan chuyên môn khơi đắp lại các đê bao hiện hữu cao lên từ 30 - 50cm. Song song đó, chúng tôi sẽ kiến nghị với tỉnh cần tiếp tục đầu tư các dự án đê bao đồng bộ trên địa bàn. Mặt khác, cơ quan chức năng khi thực hiện dự án cần tính toán đến dự báo tương lai của BĐKH.

Ông TRẦN THANH SƠN, ngụ tổ 5, ấp Bình Hòa, xã Bình Nhâm, TX.Thuận An: Người dân phải thức trắng đêm để chống chọi với ngập úng

Trong các đợt triều cường gần đây, người dân chúng tôi phải thức trắng đêm để chống chọi với ngập úng. Trong gần 20 năm nay, chúng tôi ít chứng kiến những vụ ngập úng lớn như vậy. Phải chăng đây là báo hiệu những hậu quả ban đầu của BĐKH khi những đê bao hiện hữu đều bị tràn bờ. Trước vấn đề cấp bách này, người dân chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp cần nhanh chóng nghiên cứu, tính toán và thực hiện các dự án dài hơi để phòng chống triều cường, ngập úng, giúp cho đời sống người dân ổn định.

HỒ VĂN (ghi)

 

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=388
Quay lên trên