Thực hiện Đề án 06: Chú trọng tuyên truyền về tiện ích của đề án đến người dân

Cập nhật: 27-03-2023 | 10:36:32

Việc tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổ công tác của tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong năm 2023. Theo ghi nhận, đến nay tiến độ thực hiện đề án này ở Bình Dương đã đạt được những kết quả nổi bật.

Nhiều tiện ích đã sẵn sàng phục vụ

Kết thúc năm 2022, tiến độ thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh thực hiện, các nhiệm vụ trọng tâm đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu.

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết sau một năm triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật. Toàn tỉnh đã triển khai 1.290/1.290 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt 100%; số lượng tài khoản được tạo trên Cổng DVC Quốc gia, Cổng DVC tỉnh là 139.525 tài khoản; tổng số hồ sơ nộp trực tuyến là 587.155 hồ sơ. Đối với 25 DVC thiết yếu đã triển khai 23/25 DVC. Còn 2 dịch vụ đang triển khai cấu hình kết nối ứng dụng và hoàn thiện các chức năng để đưa vào hoạt động là “Liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí; Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi”.

Nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án 06, Công an các địa phương đã tích cực tổ chức thu nhận, xác thực và cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân trên địa bàn tỉnh

Một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến đạt cao, như: Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; cấp phiếu lý lịch tư pháp; thông báo lưu trú. Hiện Công an tỉnh đang xây dựng kế hoạch cao điểm để triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ cấp thẻ căn cước công dân cho 100% công dân thường trú trên địa bàn tỉnh và hoàn thành 6 nội dung làm sạch dữ liệu dân cư được Bộ Công an giao, bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, dự kiến đến hết tháng 4-2023 sẽ hoàn thành…

Tuyên truyền để người dân sử dụng DVC rộng rãi hơn

 Theo Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh, việc triển khai thực hiện Đề án 06 ở Bình Dương có sự phối hợp chặt chẽ, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ngành đến địa phương. Đề án 06 mang tính đột phá của Chính phủ, chưa có tiền lệ nên cần phải có sự chủ động triển khai các nhiệm vụ; không trông chờ từ bộ, ngành, Trung ương mà chủ động trong triển khai nhiệm vụ giúp địa phương sẵn sàng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, tiếp cận và triển khai các tiện ích giúp người dân, doanh nghiệp nhằm tạo sự thúc đẩy phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương.

Theo đánh giá, đến nay Bình Dương đã khắc phục xong các lỗ hổng bảo mật và được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cấp tài khoản để kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (một trong 20 tỉnh của toàn quốc được kết nối vào năm 2022). Từ ngày 7-12-2022, hệ thống đã kết nối thành công và đi vào hoạt động chính thức.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục C06 Bộ Công an, cho biết qua công tác thống kê, đến nay Bình Dương có các chỉ số cải cách hành chính, sử dụng, giải quyết và đánh giá mức độ hài lòng DVCTT trên Cổng DVC Quốc gia tăng nhiều bậc so với năm 2021. Đây được coi là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Dương trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06; có sự thống nhất, chỉ đạo, giải quyết và khắc phục những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế khi thực hiện Đề án 06. Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết hiệu quả hoạt động của một số Tổ công nghệ số cộng đồng tại các tổ/khu phố/ ấp vẫn còn hạn chế trong công tác triển khai, tuyên truyền, vận động nhân dân tại địa bàn cơ sở… Nguyên nhân do thành viên các tổ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chưa bố trí được nguồn kinh phí, chưa có chế độ chính sách đặc thù cho các đối tượng này dẫn đến khó khăn, hoạt động thiếu hiệu quả. Người dân chưa hiểu rõ, chưa nhận thức rõ về những tiện tích, lợi ích của việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Việc cung cấp các dịch vụ trên môi trường điện tử đòi hỏi công dân phải đăng ký tài khoản và có các thiết bị truy cập mạng bằng điện thoại thông minh, máy tính... Tuy nhiên, do không có thiết bị và kỹ năng sử dụng phần mềm còn hạn chế dẫn đến ngại tiếp cận, sử dụng dịch vụ…

Từ các tồn tại trong thực tế, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương xem xét giải quyết.

 Bình Dương đứng thứ 3 về số lượng tài khoản định danh điện tử kích hoạt thành công
 Theo Công an tỉnh, đến nay đơn vị đã thu nhận hồ sơ định danh điện tử mức 2 đạt 61,23% so với chỉ tiêu được giao; tổng số hồ sơ định danh điện tử được phê duyệt là 556.290 hồ sơ, tổng tài khoản đã kích hoạt là 172.986/1.005.735 đạt 17,2%, đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng tài khoản kích hoạt thành công.
Hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2023, Công an tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức huy động lực lượng thanh niên phối hợp với công an từ cấp tỉnh đến cơ sở tuyên truyền Đề án 06, kết hợp kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng “VNeID” cho người dân để đăng nhập, giải quyết các thủ tục hành chính trên Cổng DVCTT. Đến ngày 21-3, toàn tỉnh đã thực hiện kích hoạt được 15.934/ 103.000 chỉ tiêu tài khoản định danh điện tử mức 2.

HƯNG PHƯỚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=571
Quay lên trên