Thông thường, cuối năm là thời điểm nhu cầu sản xuất tăng cao. Thế nhưng, từ nửa cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chịu nhiều tác động của kinh tế thế giới. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động (NLĐ), đặc biệt khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề.
NLĐ Công ty TNHH IGB Automotive Việt Nam (KCN Sóng Thần 3, TP.Thủ Dầu Một) trong giờ sản xuất. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Trợ lực cho NLĐ
Do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới nên từ nửa cuối năm 2022, việc xuất khẩu và đơn hàng của khối DN sản xuất hàng xuất khẩu tại Bình Dương giảm, nhiều DN gặp khó khăn chỉ hoạt động từ 30-50% công suất. Nhóm DN bị ảnh hưởng buộc phải áp dụng các biện pháp như cắt giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ luân phiên, thậm chí có DN phải cắt giảm lao động.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu may mặc Phúc Hậu (TP.Thuận An) đang tạo việc làm cho hơn 500 lao động. Tuy nhiên, thời điểm này công ty gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Ông Nguyễn Bá Hậu, Giám đốc công ty, cho biết đầu năm nay, để phục vụ cho nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, công ty có nhu cầu tuyển thêm nhiều lao động phổ thông. Tuy nhiên, đến nay công ty phải cắt giảm 1/3 số lượng công nhân lao động do không có đơn hàng. Để vượt qua thời điểm khó khăn này, công ty cũng đang nỗ lực chuyển đổi để thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tìm kiếm thêm các đơn hàng mới tại các thị trường mới. Cùng với đó, công ty tăng cường giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường; chủ động kết nối và chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích với các DN khác.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để giúp NLĐ yên tâm làm việc và ổn định cuộc sống, các ban ngành, đoàn thể cùng với công đoàn các cấp lên kế hoạch chăm lo cho NLĐ, nhất là khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề. Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng (TP.Dĩ An), cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn cố gắng bảo đảm công việc đầy đủ cho NLĐ. Bên cạnh đó, công đoàn phối hợp với Ban Giám đốc công ty chăm lo đầy đủ cho công nhân lao động. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngoài bảo đảm lương thưởng đầy đủ, công ty còn tổ chức nhiều hoạt động vui xuân ý nghĩa cho NLĐ, như: Thăm, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bốc thăm trúng thưởng những phần quà giá trị, lì xì đầu năm khi công nhân quay trở lại làm việc…”.
Trao đổi với P.V, chị Trần Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Estec Việt Nam (TP.Thuận An), cho biết ngay từ tháng 7 công ty đã cho công nhân nghỉ làm ngày thứ bảy và hầu như là không tăng ca. “Mặc dù có ảnh hưởng đến thu nhập nhưng hiện tại vẫn có việc để làm là chúng tôi cũng cảm thấy vui rồi. Đây là khó khăn chung của tất cả các công ty nên chúng ta phải thông cảm để cùng nhau vượt qua giai đoạn này. Hy vọng bước qua năm 2023, tình hình thị trường khả quan hơn để chúng tôi có thể quay trở lại làm việc như cũ”, chị Loan nói thêm.
Nỗ lực phục hồi thị trường lao động
Thời gian qua, thị trường lao động Bình Dương chịu tác động từ bối cảnh cả trong và ngoài nước. Trước tình hình đó, UBND tỉnh, các sở, ban ngành đã có nhiều chính sách, giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường lao động. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh và các địa phương đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, DN đầu tư nước ngoài, đại diện công đoàn để thảo luận về khó khăn của DN và NLĐ. Qua đó, lãnh đạo tỉnh và các địa phương động viên và chỉ đạo các sở ngành, địa phương có giải pháp hỗ trợ DN và NLĐ gặp khó khăn.
UBND tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh và các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động ở DN để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, các đơn vị nắm bắt nhu cầu tuyển dụng để có phương án kết nối cung cầu lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm và hỗ trợ NLĐ khi tham gia giao dịch việc làm; kịp thời hướng dẫn DN lên phương án nghỉ tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ hỗ trợ NLĐ. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho NLĐ.
Trong khó khăn chung, một số DN tuy bị giảm đơn hàng nhưng vẫn nỗ lực giữ chân NLĐ thông qua việc hỗ trợ lương, phụ cấp cho công nhân trong khi chờ việc. Một số công nhân gặp khó khăn đã về quê trước tết, song vẫn nằm trong danh sách và kế hoạch của DN chờ việc, khi nhà máy có đơn hàng sẽ mời trở lại làm việc. Mặt khác, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Sở Ngoại vụ, các ban ngành cùng DN tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại, giúp các nhà máy tìm kiếm đơn hàng mới để tạo việc làm cho NLĐ.
Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X vừa qua, giải trình một số nội dung cử tri và đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị, phản ánh, trong đó có vấn đề về giải pháp hỗ trợ DN, NLĐ và phục hồi thị trường lao động, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hiện tỉnh cũng đang khẩn trương báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thông qua ngân sách tỉnh hỗ trợ NLĐ trong dịp tết. Về lâu dài, tỉnh sẽ hỗ trợ DN tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, giới thiệu việc làm. Tỉnh cũng tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để DN hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định nhằm tạo việc làm cho NLĐ.
HỒNG PHƯƠNG